Mục tiêu đến năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới như ZaloPay, VNG Cloud, AI |
Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh
Năm năm sau ngày ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG và ông McCooey, Phó chủ tịch NASDAQ ký thoả thuận về việc IPO tại sàn chứng lớn nhất nước Mỹ và lớn thứ hai thế giới, việc IPO theo hình thức trực tiếp lại được VNG đề cập. Đây được cho là bằng chứng sẽ thúc đẩy quá trình IPO của VNG, mở ra cách tiếp cận thị trường vốn ở Mỹ.
Khi đó, ông McCooey thực sự ấn tượng với sự tăng trưởng của start-up công nghệ đến từ Việt Nam. Thậm chí, ông cho rằng, VNG có thể là trọng tâm và biểu tượng cho nền kinh tế Việt Nam. NASDAQ cũng là nơi Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay… và rất nhiều công ty công nghệ khác đang niêm yết cổ phiếu của mình.
Quyết định IPO ở Mỹ dĩ nhiên là thách thức lớn đối với VNG. Nhưng chính thách thức đó sẽ tạo động lực cho những chuyển biến bước ngoặt về tư duy, tổ chức, con người nội tại để Công ty có thể tiến nhanh hơn vào thị trường toàn cầu và sẵn sàng cho làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm năm trôi qua, kế hoạch IPO của VNG thỉnh thoảng lại được “xới” lên. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nội dung này lại được nhắc đến khi VNG có động thái chuyển nhượng cổ phần của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Ban lãnh đạo VNG đề xuất được thông qua việc miễn trừ chào mua công khai với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited - một pháp nhân mới được thành lập ngày 1/4/2022 tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands.
Cụ thể, VNG Limited dự kiến nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài tại đây. Thương vụ cũng phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.
Tháng 12/2021, thông tin VNG tìm cách huy động thêm 200 - 300 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi niêm yết tại Mỹ rầm rộ trên các mặt báo.
VNG cũng cân nhắc nhiều phương án gọi vốn, bao gồm cả việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập ngược với SPAC, theo một thoả thuận được cho là sẽ định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD. Song có thể VNG lại niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống.
VNG đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc niêm yết tại Mỹ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới như ZaloPay, VNG Cloud, AI và 320.000 khách hàng doanh nghiệp. Riêng mảng game online, VNG sẽ trở thành công ty game toàn cầu với mục tiêu dài hạn là tổng doanh thu đạt 1 tỷ USD sau 3 năm tới.
Bên cạnh đó, VNG sẽ đầu tư vào các game studio ở các thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan… ZingPlay Game Studios (ZPS) sẽ phát hành ở các thị trường hoàn toàn mới. Công ty tiếp tục đầu tư vào các studio như MPS và ZPS để có các sản phẩm toàn cầu.
Riêng trong năm 2021, VNG đã phát hành 17 game mới, tăng trưởng doanh thu lên tới 29% và sở hữu 20 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Game mobile đã có mặt tại 7 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia.
Năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với doanh thu thực tế năm trước và gấp hơn 4 lần so với 10 năm trước, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi doanh thu có thể tăng kỷ lục, lợi nhuận sau thuế dự kiến âm 993 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm khoảng 311 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh dưới giá vốn.
Năm 2021, VNG ghi nhận doanh thu 7.651 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020. VNG báo lỗ 71 tỷ đồng sau thuế, trong khi năm 2020 lãi 201 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn dương 414 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế cổ đông không kiểm soát âm 485 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ Công ty cổ phần Zion - đơn vị chủ quản của ví điện tử Zalo Pay. VNG hiện sở hữu 60% cổ phần của đơn này và gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát (485 tỷ đồng), tương ứng 40% mức lỗ trong năm 2021 của Zion. Như vậy, trong năm 2021, Zion đã lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng, gấp 1,8 lần mức lỗ năm 2020 (lỗ 667 tỷ đồng). Đây vốn được xem là mảng “đốt tiền” của VNG trong thời gian qua.
Đáng chú ý, VNG liên tục đầu tư vào các start-up trong và ngoài nước. Mới đây nhất, VNG chính thức “nhảy” vào thị trường Metaverse và đẩy mạnh chiến lược “Go global”, thông qua khoản đầu tư vào start-up game tỷ USD Haegin của Hàn Quốc.
Thành lập năm 2017, Haegin là công ty mobile game đầu tiên được niêm yết trên sàn Kosdaq (Hàn Quốc). CEO Haegin Lee Young-il là đồng sáng lập của Comus, “cha đẻ” của các tựa game đình đám thế giới như Summer’s War: Arena of the sky, Golf Star, Fishing, Home Run Battle và Combus Professional Baseball. Ngay từ giai đoạn đầu, Haegin đã thu hút hơn 8 tỷ won đầu tư từ Storm Ventures, Tencent, Bon Angels, Cona Venture Partners, Dev Sisters..., cũng như sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực game.
Từ nền tảng này, Haegin đã ra mắt thị trường thế giới hàng loạt game đa thể loại như Home Run Clash, Overdogs, Extreme Golf, Play Together. Chỉ riêng những tựa game thành công nhất này đã đóng góp tới hơn 90% tổng người dùng và doanh thu toàn cầu của Công ty.
- Ông Tay Hwee Ling, Trưởng nhóm cố vấn tại Deloitte Asean và Singapore
Đặc biệt, tựa game Metaverse “Play Together” đã đạt 80 triệu lượt tải toàn cầu và 4 triệu người dùng hàng ngày (DAU) trong chưa đầy một năm phát hành (từ tháng 4/2021). Play Together còn thu hút sự quan tâm của thị trường Metaverse toàn cầu khi ký bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với các đối tác lớn như IPX (tiền thân là Line Friends), Genie Music, Daehong Planning, và Dot Mill, đồng thời giới thiệu nhiều nội dung đa dạng thông qua việc mở rộng thương hiệu ra bên ngoài.
Hiện tại, Haegin phát triển 2 tựa game mobile mới liên quan đến thể thao và game nhập vai, dự định ra mắt trong năm nay. Với khoản đầu tư mới, Haegin sẽ tích cực thúc đẩy năng lực tổng thể và mở rộng quy mô để trở thành công ty toàn cầu thông qua các hoạt động tuyển dụng nhân tài, cải thiện môi trường làm việc và hệ thống phúc lợi, cũng như mở rộng đầu tư trong mảng kinh doanh trò chơi.
Theo ông Lee Young-il, với khoản đầu tư này, Haegin sẽ đẩy mạnh dịch vụ cho các sản phẩm chính như Home Run Clash, Overdogs, Extreme Golf và Play Together và tập trung phát triển 2 trò chơi mới để trở thành công ty game toàn cầu.
Đại diện VNG cho hay, thông qua việc rót vốn vào Haegin, VNG không chỉ mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế, mà còn hướng tới trở thành một nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực Metaverse.
“Hơn cả mục tiêu trở thành nền tảng Metaverse cạnh tranh số một trên thị trường, chúng tôi sẽ cố hết sức để tiên phong hiện thực hóa thế giới Metaverse một cách thú vị hơn”, ông Lee Young-il chia sẻ thêm.
IPO kiểu truyền thống
Một số động thái trên cho thấy các tên tuổi ở châu Á, cũng như ở Việt Nam đang nỗ lực thế nào để vượt qua rào cản trong hành trình niêm yết tại Mỹ.
Một chuyên gia tài chính cho biết, nếu không có vấn đề gì, thì IPO trực tiếp theo cách truyền thống là tốt nhất. Nếu qua SPAC, thì phát sinh thêm việc thành lập, tìm kiếm công ty đối tác, bởi SPAC thật ra chỉ là cái vỏ theo kiểu mô hình holdings. Còn nếu mua lại một SPAC có tình hình tài chính tốt, thì sẽ tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp. “Tôi nghĩ, doanh nghiệp có sao thì IPO vậy, đỡ tốn thời gian, công sức, chi phí để tìm kiếm SPAC”, vị chuyên gia cho biết.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý tại NYSE, ông Marc H. Iyeki, cố vấn cấp cao của Biotech & Innovation, Deltec Investment Advisers Limited cho rằng, dù các yêu cầu từ Mỹ đã có sự linh động nhất định, nhưng nhiều điều khoản chặt chẽ vẫn làm đau đầu chủ doanh nghiệp, như kiểm soát nội bộ, báo cáo định kỳ, quy chuẩn kế toán, kiểm toán, quy định về công bố thông tin và quan hệ nhà đầu tư...
Theo ông Marc H. Iyeki, dù chọn niêm yết bằng cách nào, doanh nghiệp cũng phải tự trang bị các điều kiện một cách kỹ lưỡng và minh bạch như một công ty đại chúng. Các công ty ít được biết đến tại Mỹ có thể được hưởng lợi từ sự công khai quá trình IPO một cách rõ ràng. Trong khi đó, các công ty có gần như đủ điều kiện để được IPO tại Mỹ, có nguồn tài chính đáng tin cậy, nhưng là start-up sẽ IPO khả thi qua hình thức SPAC.
Tuy nhiên, khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đang có động thái thắt chặt hơn hình thức SPAC, thì đây không còn là cách IPO dễ và nhanh hơn đối với các công ty.
IPO tại Mỹ là hình thức huy động vốn nhanh và uy tín. Nhưng các công ty Việt Nam nên xem xét để cải thiện chiến lược kinh doanh, cũng như tầm nhìn của mình tại thị trường này trước khi IPO, xuất hiện trên các kênh truyền thông ở Mỹ.
Để “rút ngắn” khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ, theo ông Marc H. Iyeki, kể từ ngày IPO trở đi, các công ty có thể cung cấp cho các nhà đầu tư Mỹ một trang web bằng tiếng Anh thật chuyên nghiệp, chứa tất cả thông tin mà nhà đầu tư muốn biết, như hồ sơ nộp lên SEC, thông cáo báo chí, bài thuyết trình, hội nghị nhà đầu tư được trình chiếu trực tiếp hoặc được lưu trữ bằng tiếng Anh...
“Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư, các công ty phải có lợi nhuận ổn định và đang trên một quỹ đạo đi lên hoặc có một lộ trình đáng tin cậy, thuyết phục để đạt được lợi nhuận mong muốn”, ông Marc H. Iyeki chia sẻ.