Thời sự
Kỷ nguyên phát triển mới cho hợp tác kinh tế Việt – Trung
Thanh Huyền - 16/04/2025 15:01
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam trong hai ngày 14 - 15/4 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia láng giềng.
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Đức Thanh 

Tăng tốc hợp tác hạ tầng, công nghệ cao, thúc đẩy thương mại cân bằng

Tại các cuộc hội đàm và hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh hợp tác thực chất, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thương mại, đầu tư chất lượng cao, công nghệ cao và phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành “điểm sáng” mới trong quan hệ Việt - Trung, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ then chốt; thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu, hỗ trợ Hà Nội và các đô thị lớn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đặt trọng tâm vào việc đẩy nhanh triển khai các dự án kết nối chiến lược, tiêu biểu là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, coi đây là dự án hạ tầng mang tính biểu tượng mới cho quan hệ hai nước. Thủ tướng đề nghị hai bên khẩn trương ký kết hiệp định vay vốn ODA, đảm bảo khởi công dự án ngay trong năm 2025. Đồng thời, các tuyến đường sắt tiếp theo như Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng cũng được đưa vào kế hoạch hợp tác song phương.

Về thương mại, Việt Nam bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, mở rộng cửa cho nông sản và các mặt hàng chủ lực của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực.

Không chỉ dừng lại ở thương mại hàng hóa, hai bên xác định sẽ ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất mới thông qua hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng, những lĩnh vực như chip bán dẫn, 5G, AI, Internet vạn vật và công nghệ xanh sẽ trở thành “điểm sáng” mới trong hợp tác song phương.

Về phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định hoan nghênh càng nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư; tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, chip bán dẫn, phát triển xanh, chuyển sáng tạo khoa học công nghệ thành sức sản xuất thực chất. Ông nhấn mạnh, hợp tác kinh tế giữa hai nước cần tiếp tục khai thác hiệu quả ưu thế địa lý gần gũi và sự bổ sung lẫn nhau trong cấu trúc sản xuất.

Đáng chú ý, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh, xác định đây là những hướng đi quan trọng nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, chuyển đổi chuỗi cung ứng và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho dự án quy mô lớn

Bên cạnh việc thống nhất quan điểm về thúc đẩy đầu tư, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng nhất trí rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các dự án hợp tác quy mô lớn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc để xây dựng các cơ chế, khung pháp lý đồng bộ, hỗ trợ việc triển khai các dự án song phương, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghệ cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, hai bên sẽ thúc đẩy đối thoại nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường pháp lý an toàn, minh bạch và bền vững, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai quốc gia.

Hai bên xác định sẽ ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất mới thông qua hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng đánh giá cao việc hai bên không chỉ dừng lại ở mục tiêu thương mại ngắn hạn, mà còn xác định tầm nhìn dài hạn trong việc nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thúc đẩy đầu tư chất lượng cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi giá trị sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế về hạ tầng kết nối, chuỗi cung ứng sát biên giới và tiềm lực khoa học công nghệ để trở thành những đối tác chiến lược trong mạng lưới sản xuất khu vực, đặc biệt ở các lĩnh vực như thiết bị điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác và năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, hợp tác tài chính - ngân hàng cũng được hai bên nhất trí thúc đẩy, nhằm đảm bảo nguồn vốn ổn định cho các dự án hạ tầng, công nghệ cao, phát triển xanh và đầu tư bền vững, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, thúc đẩy thanh toán song phương và mở rộng sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại.

Lãnh đạo hai nước đều nhất trí rằng, hợp tác kinh tế cần song hành với việc kiểm soát tốt bất đồng, tạo môi trường ổn định, tin cậy cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm mở rộng hoạt động tại mỗi nước.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, cùng với hàng loạt văn kiện hợp tác kinh tế - đầu tư được ký kết, đã khẳng định vai trò then chốt của hợp tác kinh tế trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đây không chỉ là dấu mốc lịch sử, mà còn mở ra cơ hội mới, động lực mới cho doanh nghiệp hai nước, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đang đứng trước nhiều chuyển động lớn về chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và phát triển xanh.

Như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết đăng trên Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng 14/4: “Hai Đảng, hai nước và hai dân tộc chúng ta vững tin và quyết tâm thúc đẩy sự nghiệp vinh quang và vĩ đại, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, phát triển đất nước nhanh và bền vững; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới”.

Tin liên quan
Tin khác