Ngân hàng - Bảo hiểm
Kỳ vọng cổ phiếu "vua" có sóng
Vân Linh - 30/01/2017 08:57
Lãnh đạo nhiều nhà băng cho rằng, tuy vẫn còn áp lực và khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, song hoạt động của ngành ngân hàng được kỳ vọng cải thiện trong năm nay, sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Bên cạnh đó là một số tin tốt hỗ trợ.

Lợi nhuận cải thiện

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, năm 2016, ngân hàng thực hiện vượt chỉ tiêu kinh doanh hơn 10%, kế hoạch xây dựng cho năm 2017 sẽ cao hơn. Lý do là khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm nay tiếp tục khả quan. Đặc biệt, nhu cầu tín dụng của cá nhân tăng theo sự hồi phục của thị trường bất động sản. Hoạt động tín dụng cải thiện là dấu hiệu đáng mừng cho lợi nhuận ngân hàng.

Thực tế, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay vẫn đến từ tín dụng, chiếm hơn 75%, thậm chí ở một số nhà băng còn lên tới 85 - 90% trong tổng cơ cấu nguồn thu. Lợi nhuận dần được cải thiện thì cổ tức ngân hàng cũng không còn thấp như trước.

Vị chủ tịch hội đồng quản trị trên cho biết, năm 2015, mức chia cổ tức của ngân hàng là 5%. Cổ tức năm 2016 chưa thể tăng nhiều, nhưng sẽ cao hơn năm trước đó. Ngoài ra, trong năm nay, ngân hàng sẽ cân nhắc chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giúp thanh khoản cổ phiếu tốt hơn và ngân hàng minh bạch trong hoạt động.

“Tất nhiên, chưa thể kỳ vọng giá cổ phiếu tăng ngay. Nhưng với các yếu tố của thị trường được kỳ vọng trong năm nay, cùng nỗ lực của ngân hàng trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giá cổ phiếu của ngân hàng sẽ có cơ hội hồi phục”, vị chủ tịch nói.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn cho hay, với lợi nhuận đạt được trong năm qua vượt chỉ tiêu hơn 10%, tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả cho cổ đông trong năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông quyết định trong kỳ đại hội thường niên tới đây. Theo ông Toàn, Ngân hàng phấn đấu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông, với tỷ lệ cổ tức năm sau cao hơn năm trước.

Cổ phiếu ACB đang được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thị giá những ngày gần đây xoay quanh 23.000 đồng/cổ phiếu, được một số công ty chứng khoán đánh giá có tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trước đó, ngày 13/1, giá cổ phiếu ACB dao động quanh mức 21.500 đồng/CP, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam có báo cáo phân tích về cổ phiếu này, kỳ vọng mức giá sẽ đạt 27.000 - 28.000 đồng/CP trong vòng 3 tháng.

Đánh giá được đưa ra từ một nhà phân tích chứng khoán cho rằng, trước mắt, giá cổ phiếu ngân hàng nói chung có thể chưa tăng, nhưng trong trung và dài hạn sẽ là cơ hội cho “cổ phiếu vua” tăng giá, đặc biệt sau giai đoạn tái cấu trúc của ngành ngân hàng vào cuối năm 2017 và năm 2018, khi hoạt động của ngành ngân hàng được cải thiện mạnh mẽ.

Cùng với các ngân hàng đã niêm yết trên HOSE và HNX (ACB, STB, EIB, VCB, CTG, BID, MB, SHB), làn sóng lên sàn UPCoM và niêm yết của nhiều nhà băng đang diễn ra. Cụ thể, VIB đã chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM, sắp tới đây là Kienlongbank, VPBank, Tecombank, VietA Bank. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đang cân nhắc niêm yết cổ phiếu như OCB, VPBank, SCB.

Tin tốt hỗ trợ

Không chỉ với hiệu ứng lên UPCoM và niêm yết cổ phiếu, hay hoạt động tín dụng ngày một cải thiện, mà ngay những ngày đầu năm 2017, không ít tin tốt đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”.

Trả lời phỏng vấn với Bloomberg Television mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ cố gắng nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong năm nay, nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng và thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước và tin tưởng rằng, giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ các nhà phân tích tài chính, cần thiết phải nới room ngân hàng. Với quy định hiện tại, room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nội chỉ 30%, đã có nhiều ngân hàng thương mại niêm yết lẫn chưa niêm yết chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Do đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Mức đề nghị nới room của một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối từ 35 - 40%, còn các ngân hàng thương mại nhỏ mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng có các kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các ngân hàng Việt lên 50%, thậm chí 65%.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống, thực hiện sáp nhập hoặc tái cấu trúc thành quy mô lớn và “bật đèn xanh” cho việc bán đứt 100% vốn ở các nhà băng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài khi được Chính phủ cho phép. Nhưng thực tế, để mua đứt 100% vốn của một ngân hàng nội vẫn khó với cổ đông ngoại. Vì vậy, việc nới room cho cổ đông nước ngoài là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc.

Thực tế, khối ngoại luôn quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng, cả trên sàn và chưa niêm yết/đăng ký giao dịch, song room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã cạn ở nhiều nhà băng.

Chẳng hạn VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì nhà băng này đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Với mức room ngoại bị giới hạn ở mức 20,5%, cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB trên sàn là khá thấp (0,5%).

MB trước đây chỉ để room nước ngoài ở mức 10%, do chủ trương giữ phần room ngoại để dành cho nhà đầu tư chiến lược. Nhưng trong tháng 2/2016, giới hạn sở hữu nước ngoài của MB đã được nới thêm lên 20% và nhanh chóng được lấp đầy.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM cho rằng, với lĩnh vực ngân hàng, việc nới room là điều không dễ dàng như kỳ vọng của các nhà băng, song một khi room được mở cơ hội cho cổ phiếu “vua” tăng giá là rất lớn. Bởi với các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn được quan tâm, nhưng do room hạn chế nên chưa mấy mặn mà.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua ngân hàng Việt, ngay cả khi hiện nay, việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đã dễ hơn. Tuy nhiên, do chưa thể có tiếng nói quyết định khi room còn hạn chế nên nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài còn do dự.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, đã đến lúc mở room ngân hàng để kêu gọi các nguồn lực trong việc giải bài toán tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. Bởi không chỉ 10 ngân hàng được chỉ định thí điểm thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II cần tăng vốn, mà toàn hệ thống còn trên 10 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, dưới 4.000 tỷ đồng và không ít tổ chức tín dụng đang gặp vấn đề trong hoạt động, cần phải hợp tác với các đối tác tương xứng để tái cấu trúc, tránh bị đào thải.  

Tin liên quan
Tin khác