Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao thị trường Việt Nam. Trong ảnh: Công ty Samil Vina 100% vốn Hàn Quốc. Ảnh: Lê Toàn |
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
“Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, có dân số trẻ nên được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Kwon Seung Taek, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa - Kinh tế Hàn - Việt (KOVECA) phát biểu tại Hội nghị thu hút FDI Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tổ chức mới đây.
Điểm đến hấp dẫn mà ông Kwon Seung Taek nói được minh chứng bằng việc 30 hiệp hội và 50 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự Hội nghị để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng, đô thị, bệnh viện, trường học, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và đào tạo nghề.
Phó chủ tịch KOVECA khẳng định, các doanh nghiệp Hàn Quốc có công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn đầu tư lớn, còn Việt Nam có thị trường phong phú, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. “Nếu hai nước tăng cường hợp tác đầu tư thì quy mô thương mại sẽ ngày càng lớn. Đặc biệt trong biến động thương mại toàn cầu hiện nay, hai nước tranh thủ cơ hội thì mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 có thể đạt được”, ông Kwon Seung Taek nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư Hàn Quốc, hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nếu như trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung đầu tư tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận, thì hiện nay doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư ở nhiều địa phương khác.
Số liệu thống kê cho thấy, Hàn Quốc luôn nằm trong top đầu các nhà đầu tư vào các tỉnh phía Nam. Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã thu hút được 30 dự án từ Hàn Quốc với tổng vốn là 300 triệu USD. Hàn Quốc đứng thứ 3 trong các nước đầu tư vào Khánh Hòa. Hiện nay, Khánh Hòa đang kêu gọi đầu tư cho dự án xử lý nước thải, rác thải tại huyện Cam Lâm và TP. Nha Trang.
Còn tại Long An, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, Hàn Quốc hiện có 209 dự án đầu tư tại Long An với tổng giá trị 900 triệu USD, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Long An.
Ông Lâm cho biết, Long An đang mở rộng các tuyến đường giao thông kết nối các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Ngoài ra, Long An đang tập trung giải phóng mặt bằng chuẩn bị 1.000 ha đất sạch để mời gọi các doanh nghiệp.
Liên quan đến việc đầu tư, ông Kwon Seung Taek cho hay, trong tương lai, chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc có sự thay đổi bằng việc chuyển hướng, mở rộng địa bàn đầu tư, phù hợp với lợi thế của từng địa phương.
“Nếu như trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với nhiều ngành thâm dụng lao động, thì thời gian tới các nhà đầu tư tăng cường rót vốn vào những lĩnh vực công nghiệp công nghiệp chế tạo, công nghệ cao”, ông Kwon Seung Taek nhấn mạnh.
Mong muốn chính sách đầu tư rõ ràng hơn
Mặc dù đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng, nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn có nhiều băn khoăn liên quan đến chính sách đầu tư.
Ông Choi Jeong Pil, Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư JP Investment đề nghị, Việt Nam cần thúc đẩy các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư quốc gia đến năm 2025 một cách chi tiết hơn để các nhà đầu tư, quỹ đầu tư có thể đánh giá tiềm năng của từng dự án, khi đó mới quyết định tham gia đầu tư. Trong danh mục đầu tư quốc gia cần nêu chi tiết các vấn đề như tạo điều kiện ra sao về thủ tục pháp lý, giấy phép, giải phóng mặt bằng…
“Nếu dòng tiền đầu tư ngừng, hoặc dự án chậm trễ thì kế hoạch bị phá vỡ, làm mất lòng tin của nhà đầu tư”, ông Choi Jeong Pil nói.
Ông cũng đề xuất cần tạo điều kiện cho các quỹ tham gia trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Khi các quỹ nước ngoài tham gia sẽ góp phần nâng cao năng lực và giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch xảy ra, doanh nghiệp nhà nước cần nhanh chóng ổn định, định hình hướng đi nhằm tiếp cận kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và các nền tảng quản lý hiệu quả, từ đó dẫn dắt phát triển cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo động lực phát triển. “Chúng tôi muốn được tham gia hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam” ông Choi Jeong Pil nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực môi trường cho biết, ở Việt Nam lĩnh vực môi trường rất quan trọng, những dự án xử lý rác phải đầu tư dài hạn 20-30 năm, nên rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Đối với lĩnh vực môi trường, Nhà nước phải xây dựng hạ tầng, còn doanh nghiệp đầu tư phần công nghệ.
“Điều quan trọng mà doanh nghiệp mong muốn là chính sách minh bạch, nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Nếu chính sách minh bạch nhất quán, thì sẽ thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào lĩnh vực này”, vị này nói.