Theo ông, nhiệm kỳ Chính phủ mới nên đặt tăng trưởng kinh tế, giữ vững các cán cân kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội hay chống tham nhũng, lãng phí làm nhiệm vụ trọng tâm?
Nhiệm vụ nào cũng trọng tâm, vì kinh tế phát triển mà không giữ được ổn định vĩ mô thì phát triển không bền vững. Ổn định được các cán cân vĩ mô mà kinh tế phát triển chậm thì cũng không có tiền để bảo đảm an sinh xã hội. Nếu cả 3 nhiệm vụ này làm tốt trong khi tham nhũng, lãng phí vẫn hoành hành thì sẽ gây nhức nhối cho xã hội, làm bất ổn lòng dân và kết quả tăng trưởng kinh tế giảm hiệu quả vì thành quả của sự phát triển bị một số người chiếm đoạt, bị mất đi do lãng phí.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến |
Tôi rất mong nhiệm kỳ Chính phủ mới đặc biệt quan tâm đến công tác chống tham nhũng, lãng phí, vì trong nhiệm kỳ vừa qua, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận nhiệm vụ này “chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi”.
Ông có cho rằng, công tác chống tham nhũng, lãng phí sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV?
Tham nhũng, lãng phí được coi là quốc nạn. Vì thế, không phải tôi, mà tất cả đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặt niềm tin và kỳ vọng rằng, quốc nạn tham nhũng, lãng phí sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Vì người đứng đầu Nhà nước là một đại tướng công an, một phó chủ tịch Quốc hội là đại tướng quân đội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là một thượng tướng quân đội. Cả 3 vị này đều có kinh nghiệm trong chống tham nhũng, lãng phí.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phụ trách công tác nội chính; phụ trách công tác phòng chống tham nhũng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nên có rất nhiều kinh nghiệm để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tôi hy vọng, với kinh nghiệm của mình, Thủ tướng Chính phủ thực sự quyết tâm, chắc chắn đáp ứng được nguyện vọng, kỳ vọng của nhân dân, của cử tri và Quốc hội trong mặt trận chống nội xâm này.
Nhưng để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì chỉ có quyết tâm thôi là chưa đủ, thưa ông?
Chúng ta không chỉ có quyết tâm, mà có đầy đủ công cụ pháp luật. Đó là Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý vốn nhà nước; Luật Quản lý tài sản nhà nước… Chúng ta còn có cả Kết luận của Trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí và Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận này, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông và người dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Chúng ta cũng có cả bộ máy chống tham nhũng, lãng phí từ Trung ương đến địa phương. Đó là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra của Đảng. Cơ quan bảo vệ pháp luật từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được hoàn thiện. Vai trò thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cũng đã được thiết lập đầy đủ, đồng bộ.
Bên cạnh đó, sự giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, người dân và vai trò của các cơ quan báo chí đang được phát huy thì không có lý do gì mà cuộc chiến chống nội xâm không vượt qua giai đoạn được gọi là cầm cự hiện nay để tiến công, tổng tiến công đẩy lùi quốc nạn.
Hệ thống pháp luật, bộ máy, tổ chức chống tham nhũng, lãng phí cũng đã có đủ từ lâu rồi, nhưng thực tế thì chưa ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Vì sao vậy, thưa ông?
Công bằng mà nói, công cuộc chống tham nhũng, lãng phí trong những năm vừa qua cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Bằng chứng là, hàng loạt vụ tham nhũng, lãng phí đình đám đã được phanh phui và đưa ra xét xử nghiêm khắc. Tuy nhiên, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa đạt mục tiêu là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Nguyên nhân chính là chưa phát huy được vai trò của nhân dân và các cơ quan báo chí với vai trò là tai mắt của Đảng, của chính quyền trong công cuộc chống quốc nạn. Người dân sợ bị trả thù, trù dập, nên không dám đấu tranh với tham nhũng, không dám tố cáo tham nhũng với cơ quan chức năng và báo chí.
Vậy ông kỳ vọng gì về cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ Chính phủ mới?
Như tôi đã nói, chúng ta đã có đủ hệ thống luật pháp, tổ chức bộ máy cả của Đảng lẫn Nhà nước, bây giờ, nhìn vào các gương mặt mới nhậm chức tôi thấy quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí rất cao. Vấn đề bây giờ là phải phát huy vai trò tai mắt của nhân dân và báo chí.
Luật Báo chí sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã quy định, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp đặc biệt. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm bảo vệ người cung cấp thông tin. Với quy định này, tôi tin rằng, người dân có thông tin về tham nhũng, lãng phí không ngại cung cấp cho báo chí, làm cơ sở cho các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với đối tượng gây ra tham nhũng, lãng phí.