Gia tăng khách quốc tế đến Việt Nam
Kỳ vọng này xuất phát từ kết quả trong 4 tháng đầu năm và xu hướng tiếp tục trong những tháng còn lại của cả năm, một phần từ lượng khách, một phần lớn do mức chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng.
Xét theo thời gian, nếu bình quân 1 tháng trong 3 tháng đầu năm đạt gần 899.9000 lượt người, thì ước tháng 4 đã đạt trên 984.1000 lượt người, cao hơn lượng đến bình quân 3 tháng đầu năm. Kết quả chung 4 tháng đầu năm đã đạt trên 3,6837 triệu lượt người. Mới qua 1/3 của năm, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đông hơn mức cả năm 2022, gấp 23,4 lần mức cả năm 2021 và gần bằng mức cả năm 2020.
Xét theo vùng lãnh thổ, tăng trưởng cao nhất là khu vực châu Á. Khu vực này chiếm 72,6% tổng số khách của cả nước và tăng gấp 22,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Châu Âu chiếm 13,9% tổng số khách, tăng 486.000 lượt người so với cùng kỳ.
Châu Mỹ chiếm 9,2%, chiếm 8,9% tổng mức tăng của cả nước. Châu Úc chiếm 3,9% tổng số khách, chiếm 3,8% tổng mức tăng của cả nước. Châu Phi chiếm trên 0,2% tổng số khách của cả nước và chỉ chiếm chiếm 2,1% tổng mức tăng của cả nước.
Mới qua 4 tháng, đã có 10 nước và vùng lãnh thổ có trên 100.000 lượt khách đến Việt Nam (Hàn Quốc 1,0703 triệu lượt, Mỹ 263.100, Trung Quốc 252.100, Thái Lan 199.600, Đài Loan 193.500, Nhật Bản 160.200, Malaysia 145.800, Campuchia 135.500, Australia 130.700, Singapore 101.000).
Đà tăng của 4 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2023 có thể đạt trên 11,5 triệu lượt người, cao hơn lượng khách đến từ các năm 2016 trở về trước, chỉ thấp hơn 3 năm sát trước đại dịch (2017 đạt 12,9 triệu, 2018 đạt gần 15,5 triệu, 2019 đạt trên 18 triệu).
Tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp khá xa so với đỉnh điểm trước đại dịch, nhưng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch có thể đạt cao hơn mức kỷ lục trước Covid-19. Nguyên nhân chính là chi tiêu bình quân 1 lượt khách của khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây và đạt mức cao hơn của năm.
Theo đó, quý I/2023 tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 2.700 triệu USD, cao gấp 27,55 lần cùng kỳ 2022; 4 tháng 2023 ước đạt 3.684,4 triệu USD, cao gấp trên 23,4 lần mức của cả năm 2020.
Nếu dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 11,5 triệu lượt người và với mức chi tiêu bình quân năm 2022 (1.049 USD), thì cả năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch là 12.123 triệu USD, vượt mốc kỷ lục năm 2019 (11.830 triệu USD).
Giải pháp gia tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch
Kỳ vọng là như vậy, nhưng để đạt được phải có nhiều giải pháp tích cực.
Trước hết, cần hấp dẫn hơn để thu hút được nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó có một số giải pháp đáng chú ý.
Tăng cường liên kết quốc tế để thu hút được khách đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ. Tăng cường liên kết ở trong nước để khách đến được nhiều điểm du lịch trong cả nước.
Tìm giải pháp để tăng tỷ lệ khách đến Việt Nam 2 lần trở lên, vì tỷ lệ này của Việt Nam còn ít.
Hoàn thiện, nâng cấp, cải thiện việc đưa đón, ăn nghỉ cho khách; khắc phục các hạn chế về chèo kéo, chặt chém và ngoại ngữ…
Tiếp tục kích thích tiêu dùng đối với khách quốc tế tăng chi tiêu bình quân một lượt khách, chi tiêu bình quân 1 ngày của khách. Kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam chi tiêu bình quân 117,8 USD/ngày, với cơ cấu như sau: thuê phòng chiếm 25,8%; ăn uống chiếm 18,9%; đi lại chiếm 10,6%; thăm quan chiếm 19,7%; mua hàng hóa chiếm 1,3%; y tế chiếm 6,1%; chi khác chiếm 5,1%. Như vậy có thể thấy, các loại dịch vụ ăn, ở, đi lại và tham quan đã tạo được sức hấp dẫn với với khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên, số tiền chi cho mua hàng hóa rất ít, chứng tỏ hàng lưu niệm bán tại Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn với du khách.