Sức khỏe doanh nghiệp
Ladophar (LDP) tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe dược liệu tỷ USD
Trần Mạnh - 14/01/2022 13:54
CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar; Mã: LDP) đang có kế hoạch mở rộng đầu tư dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu.
Ladophar sở hữu vùng nguyên liệu Atiso chất lượng cao, được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ

Thị trường chăm sóc sức khỏe từ thảo dược lên ngôi

Thị trường sản phẩm sức khỏe từ dược liệu đang có tiềm năng tăng trưởng rất tốt cùng xu thế sống xanh của người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược đang có xu hướng ngày càng tăng trưởng mạnh trên thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm. An toàn, hiệu quả, chi phí hợp lý khiến người tiêu dùng trên thế giới ngày càng ưa chuộng dòng sản phẩm này.

Global Industry Analyst, Inc. ước tính lượng ngành thảo dược toàn cầu đã đạt doanh thu 110 tỷ USD năm 2021 và sẽ có doanh thu khoảng 178,4 tỷ USD vào cuối năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 8% mỗi năm.

Còn theo khảo sát của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh số bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng tăng đáng kể năm 2021. Đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng quan tâm tới dòng sản phẩm này, nhất là các sản phẩm ăn uống, bổ sung Vitamin, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiêu hóa, làm đẹp…  Khảo sát của tổ chức này cũng cho thấy, trong 5 năm tới, xu hướng của người tiêu dùng là lựa chọn các sản phẩm sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, kết hợp giữa thực phẩm dinh dưỡng và sức khỏe.

Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia trên thế giới có nguồn dược liệu phong phú nhất.  Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho hay, riêng nhóm dược phẩm, mỹ phẩm tại Việt Nam đã có tới 4.000 loài cây, trong đó có 144 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm trên thế giới.

Mặc dù lâu nay người dân vẫn có truyền thống dùng các loại thảo dược tự nhiên để phòng bệnh và chữa bệnh, song mấy năm gần đây, việc sử dụng thảo dược để sản xuất thực phẩm, nước uống chăm sóc sức khỏe mới bắt đầu phát triển. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dùng càng ưa chuộng sản phẩm hức năng phòng ngừa bệnh tật, tăng sức đề kháng khiến dòng sản phẩm này càng sôi động.

Khác với trước đây, thay vì ưa chuộng thực phẩm chức năng tổng hợp, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc tự nhiên, nhất là từ thảo dược. Đặc biệt, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng nước uống, đồ uống thảo dược ngày càng được ưa chuộng vì mức độ tiện lợi. Chính vì vậy, nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường dự báo, sản phẩm chăm sóc sức khỏe thảo dược sẽ có mức độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.

Đầu tư vào thị trường tiềm năng, Ladophar lên kế hoạch tăng trưởng tham vọng

Nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và trên thế giới đầu tư vào phân khúc này.

Mới đây, CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar) cho biết đang có kế hoạch mở rộng đầu tư đầu tư dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu với chiến lược phát triển xanh, bền vững.

Theo đó, 3 phân khúc mà Ladophar hướng tới là: trẻ em, người làm việc có cường độ cao, người già. Công ty sẽ cho ra mắt hàng loạt sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: nước uống bổ sung vitamin, nước detox thanh lọc cơ thể, sâm tăng cường sinh lực, nước xúc miệng thảo mộc, khẩu trang thảo dược, gel rửa tay, kem chống nắng thảo dược, mỹ phẩm từ actiso, nước uống và thực phẩm có nước khoáng, thảo dược phục vụ chế biến món ăn…

Thực tế, Ladophar không phải là tân binh trong lĩnh vực này. Công ty đã có kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ 1982 với danh mục sản phẩm đa dạng từ trà dược, dược phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc dược liệu…

Không chỉ có kinh nghiệm lâu năm về nghiên cứu và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, Ladophar còn có nguồn nguyên liệu sạch vô cùng chất lượng tại “thủ phủ dược liệu” Lâm Đồng. Vùng nguyên liệu của công ty được trồng tại vùng chuyên canh, cách ly hoàn toàn với môi trường ô nhiễm, được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ với thời điểm thu hoạch được tính toán kỹ lưỡng. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, từ khi xuất hiện cổ đông mới Louis Holdings, công ty mới chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực này. ĐHĐCĐ bất thường vừa tổ chức ngày 14/1của công ty đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu  Louis Hodings và các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.

Ban lãnh đạo mới dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp của Ladophar

Cùng với sự xuất hiện của cổ đông mới Louis Holdings, công ty mở rộng mạnh mẽ sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Cụ thể, số tiền huy động được ngoài việc góp vốn 100 tỷ đồng thêm vào Công ty TNHH Nguyễn Kim Đà Lạt sẽ được sử dụng để góp vốn vào một loạt công ty con khác nhằm mở rộng đầu tư dòng sản phẩm này như Công ty TNHH MTV nuôi trồng và chế biến thực phẩm thảo dược Ladophar, Công ty TNHH MTV nước giải khát thảo dược Ladophar, Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và ứng dụng dược liệu Ladophar…

Hiện tại, Ladophar đang sở hữu 2 nhà máy quy mô lớn với hệ thống dây chuyền chiết xuất cao dược liệu đạt chứng nhận tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP WHO) cho ngành công nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam cũng như đạt chứng nhận HACCP.

Việc kết hợp thế mạnh về vùng nguyên liệu, nền nảng nhân lực, công nghệ, kỹ thuật sẵn có, cộng với đội ngũ lãnh đạo mới giàu kinh nghiệm và nguồn vốn dồi dào, Ladophar đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá ở thị trường chăm sóc sức khỏe.

Đây cũng là lý do sau khi có sự xuất hiện những nhân sự chủ chốt từ Louis Holdings - vốn có thế mạnh về quản trị và kinh nghiệm chuyên sâu về nông nghiệp - Ladophar đưa ra kế hoạch kinh doanh tham vọng năm 2022.

Cụ thể, năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 760 tỷ đồng, tăng 475% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu hàng thương mại đạt 316 tỷ đồng, tăng 362% và doanh thu hàng sản xuất đạt 444 tỷ đồng, tăng 609%.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2022 của công ty dự kiến là 38 tỷ đồng, tăng 86% so với thực hiện năm 2021.

Tin liên quan
Tin khác