Sức khỏe doanh nghiệp
Lãi của doanh nghiệp sở hữu sữa đậu nành Vinasoy, Fami dự kiến giảm 13%
Hồng Phúc - 28/03/2021 13:44
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (mã: QNS) dự kiến đạt 913 tỷ đồng, bằng 87% kết quả năm 2020.

Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi được xếp hạng thứ 31/500 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, hiện sở hữu các thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy, Fami; bia Dung Quất; đường Quảng Ngãi; nước khoáng, nước trái cây Thạch Bích; bánh kẹo Bicafun.

Vào đầu tháng 4 tới, HĐQT đường Quảng Ngãi sẽ trình Đại hội đồng cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021, với hai phương án.

Nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn (lợi nhuận sau thuế và khấu hao cơ bản) của công ty năm 2021 so với năm 2020 tăng từ 20% đến 30% thì phát hành 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trường hợp tăng trên 30% thì phát hành 2% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 của đường Quảng Ngãi và so với kết quả năm 2020.

Công ty này có 4 thành viên sáng lập là ông Võ Thành Đàng (Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc), ông Trần Ngọc Phương (Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc tài chính), ông Nguyễn Hữu Tiến (Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc kinh tế) và ông Nguyễn Thế Bình (Kế toán trưởng).

Cũng tại Đại hội tới, HĐQT đường Quảng Ngãi sẽ tiến hành bầu 5 thành viên Hội đồng quản trị, 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2025. 

Trong đó, ông Nguyễn Văn Đông, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt là một trong các ứng viên HĐQT. 

Tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 của doanh nghiệp này là 25% vốn điều lệ bằng tiền mặt (tương đương 892,3 tỷ đồng). Công ty này đã ứng 10% cổ tức vào 2 đợt và phần còn lại dự kiến chi trả vào ngày 29/04/2021.

Về kết quả kinh doanh năm vừa qua, HĐQT đường Quảng Ngãi cho biết, cả ngành FMCG và sữa, sản phẩm từ sữa đều tăng trưởng âm trong năm 2020 như sữa nước -5%, sữa bột -11%, sữa đậu nành -10%.

Theo số liệu của của Nielsen, Vinasoy tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành bao bì hộp giấy tại thị trường trong nước với thị phần năm 2020 là 85,8% tăng 1,2% thị phần so với năm 2019. Riêng tháng 12/2020 là 87,3% (tăng 2,9% so với thời điểm kết thúc tháng 12/2019). 

Sản lượng sữa tiêu thụ trong năm hơn 250 triệu lít, giảm 9,9% so với năm 2019.  Năm 2020, các sản phẩm Vinasoy đã được tiêu thụ tại hai thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. 

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 của đường Quảng Ngãi.

Về mảng đường, doanh nghiệp này tiếp tục hoàn thiện dự án mở rộng nâng công suất nhà máy đường An Khê lên 18.000 TMN và dự án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE công suất 1.000 tấn đường/ngày. 

Năm vừa qua, công ty này sản xuất gần 89.000 tấn đường từ mía, chiếm 11% sản lượng đường sản xuất từ mía của cả nước (giảm 37% so với năm 2019) và nhập 25.000 tấn đường thô để sản xuất đường tinh luyện REE, đã luyện khoảng 5.000 tấn trong năm.

Ban lãnh đạo đường Quảng Ngãi nhận định, việc Bộ Công thương ban hành quyết định 477 về việc áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan sẽ mang đến những tín hiệu tích cực trong thời gian tới cho ngành mía đường. 

Về mảng điện sinh khối, nhằm tận dụng lợi thế phế phẩm từ nông, lâm nghiệp như dăm gỗ, mùn cưa,… trong năm qua, HĐQT đường Quảng Ngãi đã phê duyệt, triển khai đầu tư bổ sung hạng mục hệ thống máy nghiền nhiên liệu đốt lò vào dự án nhà máy điện sinh khối An Khê, với tổng mức đầu tư dự kiến 18,5 tỷ đồng chưa thuế. 

Tổng sản lượng điện sản xuất trong năm gần 94 triệu kwh, trong đó bán cho EVN khoảng 70%. 

Còn các mảng kinh doanh khác như bia, nước khoáng, bánh kẹo cũng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của tình hình kinh tế Việt Nam với sản lượng giảm từ 3-10%, doanh thu giảm từ 11-17%.  

Các dự án đầu tư quan trọng của đường Quảng Ngãi. 

Trong năm nay, ban lãnh đạo đường Quảng Ngãi sẽ hoàn thiện dự án mở rộng nâng cấp nhà máy đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày; hoàn thiện dự án nhà máy điện sinh khối An Khê, dự án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày cũng như đầu tư máy móc thiết bị nhằm đổi mới công nghệ cho mảng bánh kẹo.

Vùng nguyên liệu mía và đậu nành sẽ được mở rộng và phát triển đa dạng các sản phẩm, ưu tiên cho sản phẩm truyền thống đã khẳng định được thị phần của công ty hiện nay là đường sữa đậu nành, bia, nước khoáng, bánh kẹo.

Tiền thân là công ty đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được thành lập từ những năm 70, với 02 sản phẩm chính là đường RS và cồn, sau 15 năm hoạt động, đến nay, đường Quảng Ngãi có vốn điều lệ tăng gấp 73 lần so với thời điểm ban đầu (ở mức 3.569 tỷ đồng).

Theo Báo cáo thường niên năm 2020, đường Quảng Ngãi công bố, họ là 1 trong 5 nhà sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới; 85.5% thị phần sữa đậu nành bao bì tại Việt Nam năm 2020; 250 triệu lít được tiêu thụ trong vừa rồi và tổng công suất nhà máy sữa là 390 triệu lít.

Tin liên quan
Tin khác