Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 9/2023 có thể không tạo ra nhiều áp lực thanh khoản đối với hệ thống.
Trong khi đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn rất chậm. Lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 0,3-0,5%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 0,5-1% trong tháng 8 vừa qua và đang trên đà giảm thêm.
Còn tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-2,5% tuỳ kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hiện lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022, duy chỉ còn lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là đang cao hơn 0,3% so với thời điểm tháng 9/2022.
Tuy nhiên, nếu so với mức lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn Covid-19, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 0,3-1%. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8.
Còn tín dụng tăng khá thấp trong hai tháng đầu của quý III, sau khi giảm trong tháng 7, tín dụng đã phục hồi trong tháng 8/2023.
Nhưng thông tin vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tính đến ngày 24/8, tín dụng ước tăng 5,03% so với đầu năm, quy mô tín dụng tăng thêm trong hai tháng chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng (con số này đến 29/8 là 5,33%).
Các chuyên gia của VDSC cho rằng, mặc dù tín dụng thường yếu trong khoảng đầu quý III/2023, song diễn biến năm nay cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu. Hệ thống ngân hàng đang "thừa" tiền.
Mặt bằng lãi suất cho vay được nhận định tiếp tục giảm sau khi ngân hàng đã tiêu thụ hết các khoản vốn huy động lãi suất cao và hiện lãi suất tiền gửi đang giảm tiếp. Từ đó, VDSC kỳ vọng, giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.
TS Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm, song tín dụng khó tăng trưởng nhanh. Bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu trước bối cảnh thị trường có khó khăn.
Doanh nghiệp tốt cho biết, hhọ không biết vay để làm gì khi kinh tế đang khó khăn, thị trường thu hẹp, sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm. Ngược lại, với những doanh nghiệp cần vốn lại không đáp ứng được điều kiện tín dụng: thiếu tài sản đảm bảo, vướng nợ xấu.
Vì thế, nếu giảm tiếp lãi suất cũng khó kích cầu tín dụng tăng đột biết. Ngược lại, nếu giảm lãi suất quá nhanh, theo TS. Trần Hùng Sơn, sẽ gia tăng mức chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD của Mỹ thì áp lực lên tỷ giá là khó tránh.
Thực tế, Việt Nam đã ngược dòng với các nước trên thế giới đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát thì chúng ta giảm lãi suất.
Trong thời gian từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Như vậy, TS. Trần Hùng Sơn cho rằng, nếu lúc này, Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành cũng là một động thái và tín hiệu cho thấy, mong muốn của cơ quan quản lý, còn tác động đối với thị trường sẽ không lớn nếu lãi suất điều hành giảm thêm.