Tăng đột biến, từ đâu?
Lợi nhuận sau thuế quý II của Công ty cổ phần FECON (FCN) ước đạt 120 tỷ đồng, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm ngoái (43,8 tỷ đồng), kéo lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 150 tỷ đồng. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HÐQT FCN cho biết, lợi nhuận “đột biến” trong quý II của Công ty đến từ việc chuyển nhượng 60% Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác ACWA Power và hoạt động chuyển nhượng cổ phần cho đối tác tại Công ty con của FCN.
Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 có tổng vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng, trên diện tích 60 ha với công suất thiết kế 50 MWp, là dự án do FECON hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn năng lượng ACWA Power (Ả rập Xê út), chính thức được công nhận vận hành thương mại từ ngày 18/6, sau khi đã hoàn tất một loạt quy trình thử nghiệm và thủ tục cần thiết.
FECON đã đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 |
Bên cạnh những khoản lợi nhuận đột biến tùy vào thời điểm, theo lãnh đạo FECON, mảng hoạt động truyền thống của Công ty là thi công cọc và xử lý nền móng đang đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận khi chiếm trên 70% doanh thu; còn lại là lĩnh vực công trình ngầm, hạ tầng và xây dựng dân dụng và công nghiệp.
CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA) cũng đã công bố lợi nhuận sơ bộ 6 tháng đầu năm với con số gần 400 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Theo AAA, lợi nhuận tăng mạnh là do trong kỳ, Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát đã phát sinh doanh thu chuyển nhượng quyền thuê đất và nhà xưởng tại Khu công nghiệp An Phát Complex, góp 169 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2019. Riêng quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của AAA ước tính đạt 180 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018. Nguyên nhân đến từ kết quả khởi sắc của An Phát Complex (APC), công ty con hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp của An Phát.
Khác với nhiều năm trước khi lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bất động sản thường tập trung ở những quý cuối năm, đặc biệt là quý IV, năm nay đã có sự thay đổi khi lợi nhuận ghi nhận tăng mạnh từ 6 tháng đầu năm, trong đó việc chuyển nhượng dự án đóng góp một phần quan trọng.
Ðạt doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính với hơn 150 tỷ đồng, Công ty cổ phần Ðầu tư LDG (LDG) công bố lãi ròng trong nửa đầu năm 2019 đạt gần 198 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HÐQT LDG cho biết, nguồn thu 150 tỷ đồng từ việc thanh lý khoản đầu tư dài hạn như việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của LDG tại Công ty cổ phần Ðầu tư Du lịch Suối Mơ với lợi nhuận thu về hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, việc bán, phân phối các dự án cũng góp phần gia tăng nguồn thu cho Công ty trong quý II/2019.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ thuận với lợi nhuận, LDG ghi nhận gần 355 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Công ty đã công bố tình hình triển khai một số dự án, trong đó Dự án căn hộ Sài Gòn Intela, diện tích 9.016 m2, hiện đang xây dựng và kinh doanh, dự án căn hộ West Intela, diện tích 2.920,9 m2 dự kiến bàn giao vào cuối năm 2019.
Kết quả kinh doanh quý I/2019 của Công ty cổ phần Nhà Từ Liêm - Lideco (NTL) vừa được công bố với mức lãi ròng hơn 36 tỷ đồng, tăng 264% so với cùng kỳ đã khiến cổ đông có thể hy vọng về bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn trong giai đoạn nửa đầu năm.
Dù chưa công bố con số, nhưng theo đại diện NTL, lợi nhuận 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Ðặc biệt, nếu dự án QL32 bán hết thì có thể mang về lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, sau thuế khoảng 640 tỷ đồng cho Công ty trong năm 2019.
Ðối với Công ty cổ phần Tập đoàn HDG, doanh thu ước tính 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 500 tỷ đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong quý II, việc bàn giao phần còn lại của hai tháp Orchid và một phần của 2 tháp Jasmine dự kiến mang lại 540 tỷ đồng doanh thu từ Dự án Hado Centrosa Garden.
Tính chuyện đường xa
Thông thường, khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận đột biến trong một giai đoạn, cổ đông sẽ quan tâm đến việc tương lai của doanh nghiệp sẽ như thế nào, đặc biệt là khi ghi nhận lợi nhuận từ việc bán, chuyển nhượng dự án.
Ông Phạm Việt Khoa cho biết, chuyển nhượng 60% cổ phần Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác, Công ty vẫn còn 40% và có thêm nhiều nguồn vốn để phát triển các dự án mới. Trong thời gian tới, FECON sẽ đầu tư vào khoảng 5 - 6 dự án năng lượng, trong đó tham gia khoảng 30 - 50% vốn vào dự án, hướng tới mục tiêu dài hạn là mảng đầu tư có thể chiếm 50% lợi nhuận toàn hệ thống, trong đó riêng mảng năng lượng chiếm khoảng 60%.
Thậm chí, Chủ tịch FCN đặt mục tiêu đến năm 2030, FECON sẽ đạt vốn hóa 1 tỷ USD và 100 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Ðể đạt được điều này, theo ông Khoa, giai đoạn 2019 - 2023, doanh thu của FCN dự kiến tăng trưởng 25% mỗi năm và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 9 - 10%, song song với việc duy trì cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền và cổ phiếu.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Ðô, trả lời Ðầu tư Chứng khoán về việc có hay không chuyện dồn lợi nhuận tại một thời điểm, dẫn đến tình trạng “no dồn, đói góp”, lãnh đạo HDG cho biết, Công ty lường trước được các tình huống có thể xảy ra nên từ nhiều năm trước đã thực hiện gom quỹ đất, đồng thời phát triển thêm mảng năng lượng, xây lắp thủy điện nhằm bù đắp khoản lợi nhuận cho Công ty tại một số thời điểm bất động sản gặp khó khăn. Riêng mảng năng lượng, dự kiến tăng trưởng trên 30% trong giai đoạn 2019 - 2020.
Thậm chí lường trước được vấn đề tín dụng bất động sản bị thắt chặt, HDG đã tính phương án phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 3 năm với lãi suất 6%/năm, dự kiến thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019.
“Lượng vốn huy động Công ty sẽ sử dụng để mua bán các dự án và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với mảng này, HDG chỉ cần 30% vốn đối ứng, còn lại có thể vay thêm hoặc hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực”, ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc HDG chia sẻ.
Không riêng HDG, không ít doanh nghiệp khác đã tìm tới lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng mặt trời trong chiến lược phát triển dài hạn. Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) cho biết, trong 2 năm (2019, 2020), BCG sẽ có nhiều biến động lớn về tình hình kinh doanh khi tập trung vào năng lượng tái tạo và bất động sản với lợi nhuận dự kiến tăng trưởng đột biến so với năm 2018.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HÐQT BCG cho biết, Công ty phấn đấu đạt doanh thu 2.962 tỷ đồng trong năm 2019, tức tăng trưởng hơn 1,6 lần so với năm 2018, trong đó tăng trưởng doanh thu phần lớn đến từ việc bán hàng tại các dự án bất động sản triển khai trong năm 2018 và mảng thương mại. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 311 tỷ đồng, tăng “phi mã” so với mức 11 tỷ đồng của năm 2018.
Riêng mảng phát triển khai thác các dự án năng lượng tái tạo, 2 dự án nhà máy điện mặt trời là BCG Băng Dương và Gaia với công suất lần lượt là 40,6 MW và 100,4 MW đã hoàn tất xây dựng và sẽ phát điện một phần trước tháng 6/2019, phần còn lại vào cuối năm 2019.
Ngoài ra, BCG đang tiếp tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng mặt trời như: 2 dự án điện mặt trời tại Thạnh Hóa - Long An công suất 100 MW; dự án năng lượng mặt trời trên hồ Krong Buk - Daklak (50 MW), 3 dự án năng lượng mặt trời tại Bến Tre tổng công suất dự kiến 500 MW, dự án năng lượng gió tại Sóc Trăng (45 MW). Mục tiêu tổng công suất phát điện đạt trên 400 MW trong giai đoạn 2019 - 2020 và 1.000 MW đến năm 2023.