Hồ chứa nước P'róh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: V.L |
Tỉnh ủy Lâm Đồng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, lấn chiếm đất bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi trái pháp luật nghiêm trọng.
Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình vi phạm và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vụ vi phạm chấn chiếm bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập, công trình, thủy lợi trái pháp luật, nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 5/8/2022 để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng.
“Trường hợp để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, không xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí phản ánh thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước tại địa phương”, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, bắt đầu từ ngày 30/7/2022 đến hết ngày 3/8/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại 10 huyện, thành phố về vấn đề nêu trên.
Theo đó, 2 đoàn kiểm tra (do Chi cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp cùng với chính quyền các huyện, TP. Bảo Lộc; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố; Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi tỉnh Lâm Đồng; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các công trình công cộng các địa phương…) tiến hành kiểm tra, rà soát các vụ vi phạm lấn chiếm mặt đất, mặt nước công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt là đối với các vụ vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình và gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí phản ánh.
Báo Đầu tư số 90, ra ngày hôm nay, 29/7/2022, đã đăng bài: Hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng bị “xẻ thịt” nhiều năm.
Bài báo phản ánh, hồ chứa nước P'róh (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị “xẻ thịt” trái phép suốt thời gian dài. Đáng nói là, dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều động thái xử lý, nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn với mức độ phức tạp.
Trong đó, phức tạp nhất là tại vùng thượng lưu hồ chứa nước Próh. Tại khu vực này, ngày 12/5/2022, Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương kiểm tra, phát hiện phía thượng lưu hồ chứa nước Próh gần vị trí mốc HLBV-HCN số 30 có một nhóm thợ đang thi công đắp bao tải cát với chiều dài khoảng 20m, cao khoảng 2m - 3m chặn ngang khe suối (nhánh suối này là một trong số những nguồn cấp nước của hồ chứa nước Próh).
Tuy nhiên, khi cán bộ Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương đến địa điểm vi phạm để làm việc thì có một nhóm người ngăn cản, khiến cán bộ Trạm chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Ngày 6/6/2022, Trạm quản lý khai thác Thủy lợi Đơn Dương đã gửi văn bản đề nghị UBND xã Pró kiểm tra xử lý dứt điểm hành vi vi phạm trong hành lang công trình.
Thời điểm gần đây nhất là ngày 8/7/2022, Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương vẫn chưa thể đến gần khu vực vi phạm, do có một nhóm người ngăn cản. Vì vậy mà hành vi vi phạm của các đối tượng vẫn chưa được xử lý.
Cho rằng UBND huyện Đơn Dương đã “tích cực” xử lý, nhưng các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa được Próh vẫn “hết sức phức tạp”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Đơn Dương tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm trong hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều; hoặc các quy định khác của pháp luật về trật tự xây dựng.
UBND huyện Đơn Dương có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả bằng biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu
“Trong trường hợp các đối tượng vi phạm không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, không tháo dỡ các công trình vi phạm, đề nghị UBND huyện Đơn Dương tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ theo quy định tại Điều 28, Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 33, Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.
Liên quan đến sự việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh, huyện Đơn Dương.