Tiêu dùng
Làm gì để đảm bảo an toàn khi đi mua sắm tại siêu thị?
D.Ngân - 02/08/2021 18:30
Vụ việc nhiều nhân viên Công ty Thực phẩm Thanh Nga dương tính với Sars- Cov-2 đã khiến nhiều người lo ngại về sự lây nhiễm dịch qua thực phẩm mà hệ thống này chuyển giao.

Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 qua thực phẩm là rất thấp

Được biết, Công ty Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+. Việc này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua việc mua bán, tiêu thụ sản phẩm liên quan. 

Các chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm virus qua thực phẩm rất thấp. 

Theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm. Chúng chỉ có khả năng xuất hiện tạm thời trên bề mặt của thực phẩm nếu nhân viên sản xuất, giao hàng ho, hắt hơi và khiến các giọt bắn dính lên đó.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định SARS-CoV-2 không lây nhiễm qua đường thực phẩm. 

Nguy cơ lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi người chế biến, nhân viên giao hàng mắc bệnh và phát tán virus qua các vật dụng như túi, hộp đựng. Lúc này, người dân khi chạm vào, vô tình đưa lên mặt có thể dẫn đến mắc bệnh. Tuy nhiên, xác suất này khá thấp.

Việc virus có thể xuất hiện trên bề mặt của thực phẩm cũng không quá đáng lo vì thời gian chúng tồn tại trong môi trường ngắn. Bên cạnh đó, việc chúng ta nấu chín thực phẩm trước khi ăn cũng khiến virus bị tiêu diệt hoàn toàn.

Vấn đề đáng lo ngại của chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty Thực phẩm Thanh Nga theo chuyên gia, không đến từ các mặt hàng họ cung cấp. Thay vào đó, việc các nhân viên của công ty này lây nhiễm cho nhau hay những người ở siêu thị tiếp xúc với họ và nhiễm virus mới là điều cần nhanh chóng xử lý.

Ngoài lo lắng về nguy cơ Sars-Cov-2 qua thực phẩm, theo Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trên mỗi loại vật liệu, virus Sars-Cov-2 sẽ có thời gian “sống” khác nhau.

Cụ thể, với chất liệu giấy, thời gian tồn tại của Sars-Cov-2 là 3 giờ; gỗ và quần áo thời gian là 2 ngày; thủy tinh và tiền, 4 ngày còn thép, inox, nhựa là 7 ngày.

Ngoài ra, theo Th.BS. Cấp, Sars-Cov-2 cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Qua một số nghiên cứu, virus này bất hoạt sau 5 phút ở 70 độ C và 30 phút ở 56 độ C. Ngược lại, ở nhiệt độ 4 độ C, các nhà nghiên cứu thấy rằng sau 14 ngày, virus gần như sống nguyên, giảm tải lượng không đáng kể.

Do vậy, một số nhân viên y tế đã ứng dụng lý thuyết này bằng cách đưa toàn bộ vật dụng muốn khử khuẩn ra sân bê tông để phơi nắng với nhiệt độ cao.

Nguy cơ dịch lây lan tại các chợ, siêu thị

Để phòng chống dịch Covid-19 lây lan từ từ siêu thị khi đi mua sắm, chuyên gia khuyến cáo người dân có thể tự phòng tránh lây nhiễm Covid-19 thông qua việc chủ động đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn sau khi nhận hàng, trở về từ siêu thị, chợ, nơi đông người. Khi chế biến thực phẩm, cần rửa sạch, nấu kỹ, ăn chín, uống sôi.

Với vụ việc của Công ty Thực phẩm Thanh Nga, ông Nguyễn Duy Thịnh cho hay cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra xem công ty này đã giao hàng tới bao nhiêu nơi, từ đó tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc tất cả trường hợp liên quan những địa điểm trên. 

Về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các siêu thị, theo các chuyên gia, siêu thị là khu vực thường tập trung đông người, tiếp xúc gần nhau, không gian kín nên nguy cơ lây nhiễm virus rất cao. 

Giả sử, một trường hợp mang mầm bệnh đi siêu thị ho, hắt hơi khi nói chuyện có thể khiến nước bọt bắn ra không khí và gây lây lan Covid-19. Người dân ở trong không gian kín tại siêu thị dễ có khả năng lây nhiễm virus nếu không đảm bảo đúng các nguyên tắc phòng dịch. 

Ngoài nguy cơ dịch lây nhiễm tại siêu thị hiện dịch đang có xu hướng lây lan tại các chợ đầu mối tại Hà Nội. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng lo ngại chợ, siêu thị là những khu vực nguy cơ cao bị dịch "tấn công" bởi nơi đây có số người ra vào lớn.

Để kiểm soát dịch tại chợ theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các khu chợ phải thực hiện tốt quy tắc "5K"; sắp xếp lại các gian hàng, lối ra vào riêng rẽ để hạn chế tối đa việc người dân gặp, tiếp xúc.

Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng khai báo y tế quét mã QR code mới ở thẻ BHYT hoặc căn cước công tại các khu chợ, siêu thị để tiện cho việc truy vết khi cần thiết.

Trước đó, ngày 1/8, cơ quan chức năng đã phong tỏa chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) do liên quan các ca nghi mắc Covid-19.

Tại chợ Minh Khai, ngành Y tế xác định một ca nghi nhiễm là hộ kinh doanh tại đây. Riêng ca nghi nhiễm ở chợ Phùng Khoang là nữ, 39 tuổi, trú tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Hàng ngày, chị này lấy rau tại chợ Vồi (huyện Thường Tín) lên bán tại chợ Phùng Khoang.

Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về một trường hợp mắc Covid-19 thuộc chùm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng. Người này tên là N.T.C., nữ, 40 tuổi, ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên.

Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình đã tiến hành khử khuẩn khu vực kinh doanh hải sản và toàn bộ chợ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người có liên quan tại chợ Long Biên, gồm 260 mẫu. Đồng thời, khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên cũng đã được phong tỏa.

Ngày 28/7 vừa qua, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng phát sinh một ca mắc Covid-19, là người bán trứng tại chợ đầu mối phía Nam (hay gọi là chợ Đền Lừ). Toàn khu chợ đầu mối đã được phong tỏa, dừng hoạt động để khử khuẩn và truy vết.

Hiện Hà Nội có gần 10 chợ đầu mối lớn nhỏ, và hàng trăm chợ dân sinh cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thủ đô. Song, đây cũng là nơi tập trung hàng hóa và các tiểu thương từ nhiều địa phương, cho nên nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn. 

Tin liên quan
Tin khác