Sao Ta là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long |
Thu hoạch tôm “chạy dịch”
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã có kết quả kinh doanh tốt trong quý II và 6 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu quý II đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 82 tỷ đồng, tăng 58%. Sau nửa năm, Công ty đạt doanh thu thuần 2.129 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 113 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 34% và 23% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Sao Ta là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là thành viên của Tập đoàn PAN, hiện đang áp dụng chế độ làm việc 3 tại chỗ cho khoảng gần 1.400 (trong tổng số hơn 4.000) công nhân tại Sóc Trăng.
Trước đó, khi thấy diễn biến dịch bệnh bùng phát với số ca bệnh Covid-19 mỗi ngày tại TP.HCM tăng cao, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty đã dự đoán dịch sẽ lan rộng ra các tỉnh miền Tây khi số lượng lớn lao động từ TP.HCM về lại các tỉnh. Ngày 4/7, Sóc Trăng có ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Lúc này, Công ty còn hơn 100 ao tôm chưa thu hoạch nên quyết định phải tập trung mọi nguồn lực thu hoạch tôm thật nhanh trong 10 ngày, có ngày làm đến 2h sáng để hoàn thành chỉ tiêu.
Dù doanh nghiệp của mình đã ổn định, ông Lực vẫn lo lắng cho những người nuôi tôm khác ở miền Tây “đang ngồi trên đống lửa”. Nếu trại nào kẹt trong khu vực bị phong tỏa, người nuôi chưa kịp thu hoạch sẽ rất khốn đốn, chịu thiệt hại lớn vì xe không thể vào để vận chuyển tôm đi được.
Khi thực hiện 3 tại chỗ tại nhà máy, Công ty cũng tốn kém thêm nhiều chi phí từ tiền xét nghiệm định kỳ, tiền lo ăn 3 bữa cho khoảng 1.400 nhân viên ở lại, tiền mua chăn màn, chiếu, gối để công nhân ở lại. Nhưng khó khăn nhất là chỉ còn khoảng 30-40% công nhân đi làm, khiến công suất hoạt động bị ảnh hưởng lớn.
Việc này dẫn đến tiến độ giao hàng chắc chắn sẽ chậm. Ông Lực đã viết thư xin lỗi gửi khách hàng, mong nhận được sự thông cảm vì giao hàng trễ với lý do bất khả kháng.
Tiếng lành đồn xa từ “3 tại chỗ”
Nhà máy của CTCP chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) có xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn (Long An), với 164 công nhân. Do tình hình dịch bệnh, từ ngày 13/7, nhà máy bố trí phương án phòng dịch để duy trì sản xuất. Tại xưởng những ngày này có 107 công nhân làm việc.
Trước khi thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”, các công nhân được xét nghiệm nhanh Covid-19, sau đó định kỳ mỗi tuần sẽ test lại một lần để đảm bảo an toàn. Ngoài các trang bị bảo hộ, công nhân được bố trí ngồi giãn cách, so le để đề phòng lây nhiễm.
Trong khi đó, từ ngày 20/7/2021, thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh Bến Tre, Aquatex Bến Tre đã sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ).
Vì có quá trình chuẩn bị trước, từ khi TP.HCM và tỉnh Long An thực hiện 3 tại chỗ, nên ngay sau khi tỉnh Bến Tre ra quy định “4 tại chỗ” thì công ty này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện vừa sản xuất, vừa cách ly và sớm đăng ký phương án với cơ quan chức năng.
Hiện nay, Công ty có 176 người lao động đăng ký tham gia “4 tại chỗ” (chiếm 32% tổng số lao động), tất cả đều có kết quả âm tính trước khi vào lưu trú tại nơi ở tập trung.
Để hỗ trợ người lao động, Công ty chi phụ cấp 30.000 đồng/người/ngày ngoài tiền lương, cung cấp miễn phí 3 bữa ăn/người/ngày tại nhà ăn nội bộ. Kèm theo đó là cung cấp thau, bột giặt, giá phơi đồ, cung cấp quạt máy, mền, chiếu ngủ, sóng wifi miễn phí. Ngoài ra, người lao động còn có nơi giao lưu văn nghệ, chơi bóng bàn, bi-da sau giờ làm việc và tổ chức thi đua có thưởng vào ngày chủ nhật.
Sau một tuần thực hiện “4 tại chỗ”, các hoạt động sản xuất và lưu trú của người lao động đã đi vào ổn định, tâm lý e ngại của một phận người lao động không còn. Anh Võ Khắc Nhân, thủ kho thành phẩm nhà máy ví von, người lao động thực hiện “4 tại chỗ” được công ty phục vụ ăn uống, sinh hoạt chẳng khác nào đi du lịch.
Tiếng lành đồn xa, hiện có nhiều công nhân có nguyện vọng đăng ký tiếp tục vào khu lưu trú, nhưng theo quy định của tỉnh, doanh nghiệp không được giải quyết bổ sung ngoài danh sách công nhân đăng ký ban đầu.
Các nhà máy của Bibica, PAN Food, VFC ở Long An, Đồng Nai cũng đã kích hoạt chế độ “3 tại chỗ” đối với tất cả công nhân để có thể tiếp tục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, để thúc đẩy doanh số bán hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), SHIN Cà phê, Nước mắm 584 Nha Trang… tiếp tục đầu tư khâu bán hàng qua kênh thương mại điện tử để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Với Bibica, ngày 1/8 tới sẽ triển khai ứng dụng “app loyalty” với 2 phiên bản: App Shop (dành cho điểm bán) và App Consumers (dành cho người tiêu dùng), giúp khách đặt mua hàng và giao hàng tiện lợi, nhanh chóng.
Để giải quyết khó khăn trong việc cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, Công ty đã linh hoạt tận dụng lợi thế mạng lưới nhà máy sản xuất tại Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Long An nhằm đảm bảo được vấn đề cung ứng sản phẩm trên toàn quốc.
Kết nối bằng công nghệ số và mạng xã hội cũng là một giải pháp được Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) ứng dụng hiệu quả vào hoạt động thị trường, duy trì tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!