Xử lý trứng gà tại Công ty TNHH Ba Huân. |
Chuẩn bị “ba tại chỗ” từ lâu
Covid-19 đã xâm nhập một số khu công nghiệp, khiến nhiều đơn vị phải ngưng sản xuất. Nhóm doanh nghiệp cung cấp thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM vì thế không khỏi lo lắng.
Trong lĩnh vực sản xuất trứng, Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt là hai doanh nghiệp cung ứng lượng lớn hàng hóa ra thị trường mỗi ngày.
Hai đơn vị này đã xây dựng phương án phòng dịch cùng việc chủ động tổ chức khu cách ly trong cơ sở sản xuất từ cuối tháng 5/2021 để vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy. Đặc biệt, đây là nhóm sản phẩm thiết yếu, tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM
Mỗi ngày, Ba Huân bán ra thị trường hơn 1 triệu quả trứng gia cầm. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Ba Huân cho biết, mô hình “ba tại chỗ” đã được triển khai từ khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện tại TP.HCM.
Theo đó, tùy đặc thù công việc, người lao động được chia thành 3 khu ăn ở, ngủ nghỉ, sản xuất trong nhà máy, vừa để đảm bảo phòng tránh Covid-19, vừa tránh nguy cơ từ các loại dịch bệnh khác.
“Với một số nhân viên văn phòng, chúng tôi thuê nhà đối diện Công ty để nhân viên ở lại, nhằm đảm bảo duy trì công việc vận hành, điều phối cho nhà máy. Tất cả nhân viên của Công ty đều được tổ chức xét nghiệm mỗi tuần 1 lần”, ông Hùng nói.
Còn với Vĩnh Thành Đạt, theo Tổng giám đốc Trương Chí Thiện, đơn vị này đã tận dụng nhà xưởng còn bỏ trống trong khuôn viên Công ty để bố trí chỗ ở cho công nhân. Cùng với đó, nhân viên của từng khu sẽ không tiếp xúc với nhau, mà quán triệt thực hiện nguyên tắc ở yên vị trí của mình.
Vì các cửa hàng ăn uống bán mang đi tại TP.HCM đã tạm ngừng hoạt động, nên việc chuẩn bị thức ăn hàng ngày, Vĩnh Thành Đạt phải phối hợp với một đơn vị gia công bên ngoài.
Đảm bảo đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) thông tin, các thành viên của Hội đều tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Thông báo số 615/TB-VP ngày 13/7/2021 về việc chỉ cho phép các doanh nghiệp phải đảm bảo “ba tại chỗ” hoặc “hai cung đường, một điểm đến” mới được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều này xuất phát từ tâm thế chủ động của các doanh nghiệp. Bởi trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, FFA đã có những khuyến nghị và hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó trong tình huống xấu nhất.
Trong đó, FFA tập trung chuẩn bị bố trí chỗ ăn ở cho người lao động để vừa duy trì chuỗi sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn cho người lao động, tránh nguy cơ lây lan dịch từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.
Do đó, khi Thành phố có chỉ đạo thì đa phần doanh nghiệp thành viên, nhất là những đơn vị sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu ngay lập tức kích hoạt và sẵn sàng áp dụng phương án phòng dịch thắt chặt để bảo vệ người lao động, không để chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy. Chẳng hạn, với nhóm mặt hàng thịt heo tươi sống, các doanh nghiệp thành viên khẳng định, đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống và đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn.
Đơn cử, kể từ ngày 28/6/2021, Công ty Vissan đã tổ chức cắm trại tập trung làm việc tại Công ty cho 100% lao động (khoảng 1.500 người). Dự kiến quá trình cắm trại tập trung thực hiện “ba tại chỗ” này của Vissan sẽ kéo dài cho đến khi tình hình dịch bệnh tại TP. HCM được kiểm soát.
Hay với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, các trang trại đã kích hoạt toàn bộ hệ thống đảm bảo “ba tại chỗ” và quy định nhân viên mỗi khu không được trao đổi qua lại. Công ty CP cung ứng thịt heo tươi sống cho TP.HCM bình quân hàng ngày từ 350 đến 400 con, trong những ngày vừa qua đã tăng lên 600 con/ngày. Công ty đảm bảo cung cấp đầy đủ và giữ bình ổn giá được 6 tháng.
Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đều khẳng định đảm bảo nguồn cung phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn.
Được biết, vài ngày qua xuất hiện tình trạng người dân tăng lượng mua hàng hóa, chủ yếu là thực phẩm, dẫn đến một số thời điểm các siêu thị, điểm bán thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như thịt, rau vào khung giờ chiều tối. Song, theo nhiều doanh nghiệp, việc thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ, thời điểm do lượng khách tập trung đông nên nhân viên không kịp đưa hàng lên quầy, còn cơ bản nguồn cung dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Mới đây, TP.HCM cũng công bố 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu với đầy đủ thông tin từ địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng... Thông qua danh sách này, người dân có thể dễ dàng tìm mua.