Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động tại Thái Nguyên, SEMV đã duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương |
Bước tiến mới của Samsung
Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa có thêm một bước đi mới tại thị trường Việt Nam khi quyết định đầu tư thêm 920 triệu USD cho Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Samsung Điện cơ - SEMV). Với khoản đầu tư tăng thêm này, SEMV sẽ có tổng vốn đầu tư 2,27 tỷ USD, thay vì 1,35 tỷ USD trong hiện tại. Còn tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam sẽ nâng lên 19,2 tỷ USD, đưa “ông lớn” này tiếp tục giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Với phần vốn tăng thêm, dự kiến, SEMV sẽ tập trung sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao, như mảng lưới bóng chíp bán dẫn…, các linh kiện, phụ tùng, như camera module, thấu kính, bộ nắn điện… cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để vận hành dự án thành công, đáp ứng sự mong đợi của tỉnh Thái Nguyên. Thành công của Thái Nguyên chính là thành công của Samsung và thành công của Samsung chính là thành công của Thái Nguyên”, ông Kim Sang Nam, Tổng giám đốc SEMV chia sẻ.
Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động tại Thái Nguyên vào tháng 2/2015, SEMV đã duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho trên 6.500 lao động. Bởi thế, khi SEMV quyết định đầu tư mở rộng ở Thái Nguyên, các nhà lãnh đạo của tỉnh này là những người vui mừng nhất.
“Thái Nguyên cam kết tạo mọi điều kiện và các thủ tục hành chính nhanh nhất, thuận lợi nhất để đồng hành với SEMV trong quá trình giải ngân vốn đầu tư, để các nhà đầu tư phát triển và gặt hái được nhiều thành công”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã nói như vậy.
Vượt qua ý nghĩa về những thành công trong thu hút đầu tư, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, việc “ông lớn” Samsung tiếp tục dốc vốn đầu tư vào Việt Nam, có thể nói, tiếp tục là một lời khẳng định về những tiềm năng, lợi thế và sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với điểm đến đầu tư Việt Nam. Có tiềm năng lớn, nên kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.
Năm ngoái, đã có trên 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tháng đầu tiên của năm 2022, tiếp tục có thêm 2,1 tỷ USD được cam kết đầu tư vào Việt Nam.
Và không chỉ là Samsung, mà những nhà đầu tư lớn khác cũng đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Chỉ trước khi SEMV nhận chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh 1 ngày, thì Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ) cũng đã quyết định sẽ đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm tại tỉnh Hải Dương, với quy mô 500 triệu USD.
Đáng nói là, đây mới chỉ là phần đầu tư hạ tầng, bởi theo ông Ramesh Babu Potluri, Chủ tịch Công ty SMS Pharmaceticals Ltd, thì Công viên Dược phẩm sẽ quy tụ nhiều hãng dược phẩm nổi tiếng thế giới đến nghiên cứu và sản xuất. Điều đó có nghĩa, sẽ có một ngân khoản không nhỏ tiếp tục được đổ vào đây, biến Hải Dương, biến Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất và xuất khẩu các loại dược phẩm ra thế giới.
Có tiềm năng lớn nên kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ nhiều đối tác. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Làm sao để “vời” được “ông lớn”?
Vốn đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam, bao gồm các dự án lớn. Nhiều “ông lớn” khác, như Intel, LEGO… đang chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, có thể thấy rất rõ, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục đổ vào các nước khác trong khu vực. Mới đây nhất, Tập đoàn Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ để đầu tư một dự án sản xuất xe điện tại Indonesia. Con số không chính thức được Chủ tịch Foxconn Young Liu xác nhận, nhưng được truyền thông Đài Loan đưa tin, có thể lên tới 8 tỷ USD.
Cũng theo báo chí Đài Loan, dù không rõ hai bên đàm phán dự án sản xuất xe điện này từ lúc nào, nhưng chuyến đi Đài Loan trong 2 ngày của Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia từ cuối năm 2021 được cho là “tác nhân” chính để Indonesia giành được dự án lớn nhất về xe điện của Foxcon ở thời điểm này.
Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, Foxconn đang hướng trọng tâm đầu tư vào ASEAN.
Tại ASEAN, Foxconn cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Thái Lan (PTT) để thành lập liên doanh sản xuất xe điện có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Cũng từng có thông tin rằng, Foxconn đang đàm phán với VinFast của Việt Nam để trở thành đối tác sản xuất xe điện.
Dù thông tin trên chưa được xác thực, song rõ ràng, “đại kế hoạch” đầu tư của Foxconn là có thật. Không chỉ là lĩnh vực mới - ô tô điện, Foxconn cũng vẫn tiếp tục đầu tư các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất điện tử, thiết bị di động và đã nhiều lần khẳng định kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam.
Điều đó có nghĩa, cơ hội cho thị trường Việt Nam là không nhỏ. Nhưng từ câu chuyện Indonesia giành được dự án 8 tỷ USD của Foxconn, có thể thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực ASEAN ngày càng “nóng” và Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giành phần thắng so với các đối thủ, bao gồm cả trong lĩnh vực xe điện.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp để phát triển ngành xe điện và thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này đến Việt Nam. Mục tiêu là trong vòng 5 năm tới, có thể xuất khẩu được mặt hàng này ra thế giới.
Đó là một bài toán không dễ giải. Và chắc chắn, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để “vời” được các “ông lớn”.