Doanh nghiệp
Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao
Đào Phương - 17/06/2020 17:29
Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân thuần chất ở Sơn La đang vươn lên làm giàu, trở thành những doanh nhân, đưa nông sản tới khắp miền đất nước…
Ông Phạm Văn Đấu cùng người dân ở bản Mai Tiên cải thiện thu nhập đáng kể nhờ trồng rau theo quy trình VietGAP.

Bao năm qua, những người dân ở Sơn La chủ yếu làm nông nghiệp, cả đời gắn liền với lúa nương, cây ngô, cây mía. Nhưng từ khi biết đến nông nghiệp công nghệ cao, thành lập hợp tác xã, thương mại hóa sản phẩm, đời sống của họ đang dần cải thiện…

1.

Trong chuyến công tác tới Sơn La, chúng tôi vào thăm xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) và may mắn được gặp, trò chuyện với “bà Luyến rau sạch”.

Hỏi chuyện vì sao lại có “biệt hiệu” này, bà Luyến vui vẻ kể, đó là do người dân ở đây đặt, vì bà đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tự Nhiên, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nổi tiếng ở Mộc Châu.

Tham quan khu nhà lưới 6.000 m2 xanh mướt các loại rau, từ bắp cải, cải mèo, tới bí, đỗ…,  chúng tôi cảm nhận được tâm huyết và công sức của “bà Luyến rau sạch”.

Từ năm 2000, bà Luyến đã sớm nhìn ra, Mộc Châu có đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ..., rất phù hợp trồng rau xanh quanh năm, nhưng do khó khăn về tài chính và chưa có kỹ thuật, nên đành gác lại ý tưởng trồng và kinh doanh rau sạch.

Mãi đến năm 2011, bà quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để trồng 1 ha rau xanh. Với suy nghĩ “một cây làm chẳng nên non”, bà Luyến đến từng nhà trong bản vận động bà con cùng làm trước sự ngạc nhiên, hồ nghi của không ít người.

Sang năm 2012, nhóm trồng rau của bà Luyến có 25 thành viên, trồng gần 10 ha rau theo tiêu chuyển VietGAP, được cấp chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Rau trồng ra đến đâu, bán hết đến đó, nhiều người từ Hà Nội về tận nơi đặt mua và sẵn sàng đặt tiền để… giữ rau. Nhóm trồng rau của bà Luyến “ăn nên làm ra”, mỗi người thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm. Bà con trong xã ùn ùn xin vào nhóm.

Sau những thành công bước đầu, bà Luyến nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của các gia đình trong nhóm, năm 2013, bà Luyến đứng ra thành lập HTX Rau an toàn Tự Nhiên, do bà làm chủ nhiệm. HTX gồm 35 thành viên, trồng 14 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để HTX phát triển bền vững, bà Luyến lập kế hoạch sản xuất cụ thể và phổ biến đến từng thành viên. Trực tiếp quản lý trên đồng ruộng, bà Luyến hàng ngày đôn đốc các thành viên tuân thủ việc ghi chép sổ sách, sử dụng đúng chủng loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học để đảm bảo chất lượng rau an toàn.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm rau xanh các loại của HTX Rau an toàn Tự Nhiên được thị trường chấp nhận, người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi ngày, gần ba tấn rau xanh của HTX được đưa về Hà Nội và có mặt tại các siêu thị Metro, VinMart, Big C...

2.

Chạy xe gần hai giờ từ Mộc Châu đến bản Mai Tiên thuộc xã Mường Bon (huyện Mai Sơn, cách trung tâm TP. Sơn La chừng 30 km), chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với khung cảnh của bản làng. Những cánh đồng rau xanh ngút ngàn; những nhà kính, nhà lưới xếp lớp hệt như khung cảnh tôi đã từng thấy ở Đà Lạt. Đi tiếp một đoạn nữa, chúng tôi gặp hàng chục xe tải đang chờ xếp các khay rau lên xe để chở đến các điểm phân phối.

Theo chỉ dẫn của cán bộ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, chúng tôi tìm đến nhà của ông Phạm Văn Đấu, Phó giám đốc HTX Tiên Sơn. Lúc chúng tôi đến nơi, ông Đấu đang cặm cụi chỉnh lại từng vòi tưới giữa khu vườn bạt ngàn bắp cải.

Đưa chúng tôi tham qua vườn rau, ông Đấu phấn khởi cho biết, nhờ trồng bắp cải, mà gia đình ông và người dân bản Mai Tiên mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Chỉ tay xuống nền đất dưới chân, ông Đấu bảo, hơn 6 năm trước, nơi này là cánh đồng lúa. Trồng lúa từ đời này sang đời khác, nhưng người dân ở bản Mai Tiên vẫn nghèo, con cái không được ăn học đàng hoàng. Thế rồi, huyện Mai Sơn tổ chức các lớp khuyến nông ngắn hạn, ông Đấu liền đăng ký tham gia. “Có người cười tôi và bảo: học gì, chứ học làm nông dân thì…phí thời gian, nhưng tôi vẫn đi học!”, ông Đấu vui vẻ kể.

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và tìm tòi thêm từ sách, báo, ti vi, ông Đấu quyết định chọn trồng cây cải bắp theo quy trình VietGAP trên 5.000 m2 đất ruộng của gia đình. Thu hoạch vụ thử nghiệm đầu tiên, ông Đấu đem bắp cải tham gia các hội chợ giới thiệu nông sản trong nước và chính ông cũng không ngờ, bắp cải do mình trồng lại được người tiêu dùng chuộng như vậy. “Có bao nhiêu, chúng tôi bán hết bấy nhiêu. Ở Hà Nội, khách hàng còn tranh nhau mua”, ông Đấu nhớ lại.

Thành công với cây bắp cải, vụ sau, ông Đấu mở rộng diện tích trồng thêm cải mèo, hành, đỗ, cây ăn quả. Riêng rau cải bắp, mỗi năm, ông thu ba lứa, thu nhập trên 180 triệu đồng/ha.

Thấy được hiệu quả từ cách làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Đấu đến từng nhà trong bản vận động bà con cùng làm. Ông còn cam đoan sẽ hỗ trợ bà con về kỹ thuật, cung cấp địa chỉ mua giống và nếu cần, sẽ giúp bà con bán sản phẩm. HTX Tiên Sơn cũng ra đời từ ngày đó.

Chị Nguyễn Thị Huyền, xã viên HTX Tiên Sơn vui mừng chia sẻ: “Trước kia, nhà tôi trồng ngô, trồng sắn, thu nhập thấp nên nghèo lắm. Từ khi tham gia HTX Tiên Sơn, được bác Đấu hướng dẫn quy trình trồng rau cải mèo với diện tích  3.000 m2, thu nhập của gia đình tăng lên nhiều”.

Vợ chồng chị Huyền chăm chút vườn tược và có cuộc sống khấm khá hơn trước. Chỉ tay về dãy xe đang chờ nhập hàng, chị Huyền vui vẻ nói như khoe: “Ngày nào, xe cũng chờ để lấy hàng đưa về thành phố”.

3.

Cũng chọn nông nghiệp công nghệ cao để khởi nghiệp, nhưng không phải rau an toàn, HTX Xuân Quế của Giám đốc Nguyễn Văn Nam chọn quả dâu tây. Giữa thung lũng, vườn dâu tây bạt ngàn của gia đình ông Nam ở bản Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) được lên luống và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nam bồi hồi nhớ lại quãng thời gian hơn 30 năm cả gia đình ông đã gắn bó với nương rẫy, mía, ngô. Có những thời điểm, mía ế bán chẳng ai mua, nên ngọn trổ hoa trắng như lau, khiến gia đình ông và bà con trong bản khóc ròng. Là trụ cột gia đình, ông Nam ngày đêm suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế.

Đi một vòng quanh tỉnh, đến từng bản, từng nhà ở khắp các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã…, ông Nam nhận thấy, người dân ở huyện Mộc Châu trồng dâu tây thu lãi nhiều hơn cả, nên đã mạnh dạn vay vốn mua cây giống và cải tạo đất trồng. Lúc ông đưa cây giống về trồng, nhiều người trong bản Xuân Quế nói ông bị ảo tưởng. “Họ bảo, trồng ngô, nuôi lợn còn chẳng đủ sống, sao lại mang cây giống này về trồng làm gì?”, ông Nam kể. 

Nhưng, bỏ ngoài tai tất cả, ông cứ lặng lẽ lên luống, bón phân, rồi lên mạng học kinh nghiệm chăm sóc cây dâu tây. Sau một thời gian, vườn dâu tây phát triển tốt và ra hoa, kết trái. Vụ đầu thành công, ông Nam quyết định đầu tư lớn, mua thêm hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt và nhà lưới rộng 4.000 m2 theo tiêu chuẩn VietGAP. “Chính nhờ mạnh dạn đầu tư, tôi đã có cơ ngơi khang trang như bây giờ, không còn phải chật vật vay mượn tiền như trước kia nữa”, ông Nam tâm sự.

Năm 2017, ông Nam cùng một số người trong bản thành lập HTX Xuân Quế. Ông liên kết 12 gia đình, trồng 5,1 ha dâu tây và chú trọng tìm các giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Để giúp các thành viên trồng dâu theo đúng tiêu chuẩn, ông Nam đưa họ tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật do tỉnh Sơn La và huyện Mai Sơn tổ chức, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Không những thế, ông Nam còn trực tiếp mang sản phẩm đi tiếp thị ở khắp các địa phương, thông qua mạng xã hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng, cung cấp dâu tây cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, ông còn đăng ký để HTX Xuân Quế tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn của tỉnh Sơn La; liên kết với các HTX và các hộ trồng dâu tây thành lập Hội Liên kết dâu tây Mai Sơn, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng cung ứng...

Với những cố gắng của ông Nam và các thành viên, đến nay, dâu tây của HTX Xuân Quế đã có mặt tại 33 siêu thị ở Hà Nội, cùng nhiều đầu mối phân phối tại Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế...

Ngoài mặt hàng chính là dâu tây tươi, ông Nam còn hướng dẫn các nông hộ làm dâu sấy dẻo, siro dâu tây và xen canh trồng 25 ha xoài tượng da xanh, nhãn, bưởi, mận hậu. Năm 2019, sản lượng mận hậu của HTX đạt 50 tấn, xoài đạt 100 tấn và bưởi đạt 200 tấn, tổng doanh thu khoảng 9,5 tỷ đồng.

Tiễn chúng tôi đến đầu bản, ông Nam chia sẻ, trong năm nay, HTX sẽ huy động vốn và vay thêm ngân hàng để làm xưởng sản xuất rượu và xây thêm kho lạnh để bảo quản. “Với mong muốn tiêu thụ nhiều hơn nữa các loại cây ăn quả cho nông dân, HTX đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích trồng dâu an toàn lên 25 ha, tạo việc làm cho 200 lao động, xưởng sản xuất đi vào ổn định”, ông Nam bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác