Thời sự
Lam Kinh - Khu di tích đặc biệt sau những “cuộc hí trường”
Sĩ Chức - 26/09/2013 07:13
Lam Kinh, nơi  được ghi chép trong sử sách như một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, gắn với tên tuổi và sự nghiệp lẫy lừng của Anh hùng dân tộc Lê Lợi – vị tổ trung hưng nước Việt lần thứ hai.

Nơi đây, “chốn Lam Sơn dấy nghĩa” cùng nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại giang sơn bờ cõi, xây nên một triều đại thái bình, thịnh trị và tồn tại lâu đời vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta…

Sử xưa chép rằng: Lê Lợi sinh ngày 06/8/1385, Tằng tổ của vua húy là Hối, người phủ Thanh Hóa. Nhân một lần đi qua Lam Sơn thấy nơi đây chim muông quần tụ, thế đất vượng là nơi có thể tụ họp đông người, ông liền về dời nhà đến Lam Sơn, sau 3 năm thì thành sản nghiệp lớn. Việc mở đất gây nghiệp, dựng nền bắt đầu từ đó…

Thuộc xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Khu di tích Lam Kinh được xây dựng dưới thời Vua Lê Thái Tổ, trước đó gọi là Thành Tây Đô.

Phía Bắc dựa vào núi Dầu (hay còn gọi là Du Sơn), mặt Nam hướng ra sông – có núi Chúa làm tiền án, bên tả có rừng Phú Lâm, bên hữu có núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây.

Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng gò đồi có hình chữ Vương. Bốn mặt thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía bắc xây hình cánh cung có bán kính 164m, tường thành dày 1m.

Hiện không có tài liệu nào cho biết về địa giới và xuất xứ tên gọi Lam Sơn, nhưng nơi đây có hai ngọn núi được cho rằng có liên quan đến địa danh này là núi Dầu (Du Sơn) và núi Mục.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại thì núi Dầu chính là núi Lam, “dưới chân núi là nhà Lê Lợi”, ngọn núi này được đổi tên thành núi Dầu để tưởng nhớ tới công lao bà bán dầu, thắp đèn làm hiệu cho nghĩa sĩ từ các nơi về; trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu”.

Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, các công trình kiến trúc của Lam Kinh dần trở nên đổ nát hoang phế, các sinh hoạt lễ hội cũng dần bị mai một.

Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của di tích lịch sử này, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 609/QDTTg/1994, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích Lam Kinh. Từ năm 1995 đến nay, lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm với quy mô ngày càng lớn hơn, ngày càng có sức cuốn hút lan tỏa tới du khách thập phương về thăm viếng…

Hiện tại, khu di tích Lam Kinh đã và đang tái tạo được phần nào không gian văn hóa bằng 5 tòa Thái Miếu với tổng giá trị xây lắp hơn 22 tỷ đồng; cổng vào Nghi Môn có tổng giá trị xây lắp hơn 5,6 tỷ đồng và các hạng mục đã hoàn thành như Hồ Tây, Sông Ngọc, Cầu Bạch, Hồ Như Áng, …

Rồi đây, khu Chính điện cũng đã và đang được phỏng dựng lại với tổng kinh phí đầu tư lên tới 114,8 tỷ đồng. Mang kỳ vọng của các nhà làm du lịch xứ Thanh, biến Lam Kinh là một điểm đến lịch sử hấp dẫn.

Bước chân đi giữa núi rừng Lam Sơn sống lại âm vang sang sảng những lời thề, giục dã những tiếng ngựa hí, tiếng quân reo. Sống lại những khí thế hào hùng của Hội thề Lũng Nhai, nơi ghi dấu ấn những lời thề cứu nước của mười chín người đầu tiên đến với Lam Sơn trở thành bất tử: “Tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình cùng chung một họ” (sách Lam Sơn thực lục).

Đó là núi Chí Linh, nơi mà Lê Lai quên mình cứu chúa: “Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi, con cháu tôi và con cháu các bậc trung thần nếu không nhớ đến công lao này thì cung điện biến thành rừng núi, ấn báu biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn” (lời của Lê Lợi)…

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, tiên tổ. Năm nay, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận Khu di tích lịch sử Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt.

Trở lại thăm khu di tích Lam Kinh sau hơn mười năm; khoảng thời gian đủ để đưa con người ta qua bao thăng trầm cuộc sống, một khoảng ngắn ngủi so với đời người mà cũng chứa đựng biết bao thay đổi.

Trả trách Lam Kinh khó tránh khỏi sự “vần vũ” của thời gian và của những “tạo hóa gây chi cuộc hí trường” (Bà Huyện Thanh Quan).

Tin liên quan
Tin khác