Quốc tế
Lạm phát cao của Mỹ có còn đáng sợ?
Hồ Quốc Tuấn - 19/07/2022 09:07
Số liệu lạm phát 9,1% trong tháng 6/2022 của Mỹ gây bất ngờ với một số nhà quan sát vì trái với dự đoán lạm phát hạ nhiệt của giới phân tích.
Ảnh minh họa

Lạm phát vẫn tăng lên, dù tốc độ tăng lạm phát lõi (loại bỏ yếu tố biến động cao như lương thực và năng lượng) đã tăng chậm lại.

Cụ thể, lạm phát chung của Mỹ tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 8,8% theo dự báo. So với tháng 5 thì lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng 1,3%, cao hơn mức tăng 1% của tháng 5. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi, điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát, tăng chỉ 5,9% so với cùng kỳ năm trước và 0,7% so với tháng trước, hầu như không thay đổi đáng kể so với xu thế tăng của 2 tháng trước đó. Điều đáng lưu ý là giá dầu thô ở mức rất cao trong tháng 6, đã hạ nhiệt đi nhiều trong tháng 7.

Những con số này dẫn đến hai luồng quan điểm.

Thứ nhất, là quan điểm lạm phát vẫn tăng lên và không có dấu hiệu hạ nhiệt như kỳ vọng, bởi thế Fed cần tăng lãi suất đến 1% trong tháng 7 để khống chế lạm phát.

Thứ hai, quan điểm khác cho rằng ngoại trừ mức tăng năng lượng thì những mức tăng khác đã phát tín hiệu hạ nhiệt, do đó tốc độ tăng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh. Với những gì đang diễn ra với thị trường dầu thô, lạm phát tháng 7 đang được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt, Fed không cần phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến, nghĩa là vẫn ở mức 0,75% trở lại trong kỳ tăng lãi suất tháng 7 này.

Có hai nhận định đáng chú ý mà theo tôi là tóm gọn đủ tình hình hiện tại.

Thứ nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, lạm phát cao ở mức “không chấp nhận được” và ủng hộ Fed làm bất cứ điều gì cần thiết để kéo lạm phát về trong tầm kiểm soát. Quan điểm này được thể hiện rõ trong phát biểu gần đây của bà Janet Yellen ở Bali (Indonesia).

Thứ hai, đó là thị trường tài chính tỏ ra không lo sợ số liệu lạm phát cao nữa, như cây bút Robert Armstrong phản ánh trên tờ Financial Times sau sự kiện lạm phát cao và ngân hàng trung ương Canada gây sốc cho một số nhà đầu tư với mức tăng lãi suất hẳn 1%, động thái chưa từng có từ năm 1998.

Thị trường tài chính có vẻ đang dự báo một kịch bản yên ổn rằng lãi suất cao sẽ làm giảm lạm phát từ từ và có thể Mỹ sẽ tránh được một đợt suy thoái nặng.

Sự thật là thị trường chứng khoán Mỹ gần như không biến động đáng kể sau số liệu lạm phát cao hơn dự đoán tháng 6 này. Một số chỉ số chứng khoán chính giảm nhẹ, trong khi Nasdaq hầu như không thay đổi, mà còn phát ra dấu hiệu tạo đáy đi lên. Một trong những chỉ số đánh giá độ bất định của thị trường là VIX đã ổn định một cách đáng ngạc nhiên với nhiều nhà phân tích, củng cố quan điểm rằng thị trường không sợ lạm phát cao nữa.

Điều này hàm ý gì? Đó có thể là tín hiệu của những nhà phân tích thị trường cho thấy quan điểm rằng, lạm phát của Mỹ sớm muộn sẽ đạt đỉnh và trước nhất là phản ánh kỳ vọng lạm phát tháng 7 sẽ hạ nhiệt khi giá dầu đã giảm khá nhiều. Ngoài ra, thị trường việc làm của Mỹ không còn quá nóng, kỳ vọng về suy thoái sẽ làm lạm phát, thị trường bất động sản cũng như kỳ vọng về tăng lương sẽ nguội bớt. Một tiến trình giảm lạm phát (disinflation) sẽ bắt đầu. Giảm lạm phát nghĩa là lạm phát vẫn tăng lên, nhưng tốc độ chậm lại dần và có thể là sau đó quay đầu giảm trong một vài tháng, kéo mức lạm phát về thấp hơn. Nghĩa là rồi lạm phát sẽ tạo đỉnh.

Vấn đề là lạm phát sẽ đi xuống bao nhiêu từ đỉnh? Liệu nó sẽ về lại mức kỳ vọng dài hạn xung quanh 2% của Fed trong năm 2023 hay không? Đó mới là câu hỏi quan trọng vì nếu lạm phát trong năm 2023 có dấu hiệu về lại mức xung quanh 2%, chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể sẽ đi đến gần cuối con đường vào nửa đầu năm 2023. Nói cách khác, Fed sẽ không thể tăng lãi suất quá cao đến mức giết chết nền kinh tế.

Ẩn số với vấn đề này ở đâu? Chính là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động dai dẳng hiện nay ở nhiều nền kinh tế phương Tây. Một số quan điểm cho rằng, thiếu hụt lao động sẽ trở thành bình thường mới vì nhiều lý do. Điều này khiến chi phí lao động khó mà giảm trở lại được. Trong khi đó, bất ổn chính trị đặt ra nhiều thử thách với nguồn cung dầu và khí đốt vào mùa đông năm nay. Đó vẫn là một rủi ro rất thật, nhưng người ta không thể đoán định được vì tính phức tạp địa chính trị của nó.

Thị trường tài chính có vẻ đang dự báo một kịch bản yên ổn rằng lãi suất cao sẽ làm giảm lạm phát từ từ và có thể Mỹ sẽ tránh được một đợt suy thoái nặng, nghĩa là hoặc không suy thoái hoặc suy thoái nhẹ, thất nghiệp sẽ chỉ đâu đó dưới 5%. Một số ngân hàng đầu tư, ví dụ như Bank of America đã đưa ra quan điểm rằng, Mỹ có thể đi vào một đợt suy thoái nhẹ và giá cổ phiếu chung sẽ giảm thêm 5% so với hiện tại. Kịch bản này có nhiều điểm hợp lý, nhưng nó giả định những cú sốc dầu khí ở mùa đông nếu có là trong tầm kiểm soát. Nếu nó mất kiểm soát thì sao? Những dự báo giá dầu trên 150 USD/thùng vẫn còn đó.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều quỹ đầu tư vẫn đang thận trọng. Họ hy vọng điều tốt nhất sẽ diễn ra, nhưng cũng đang chuẩn bị cho những kịch bản xấu. Ở một nơi khác, dòng tiền đầu cơ đang đổ trở lại vào những khu vực đã giảm điểm nhiều như cổ phiếu công nghệ và thị trường tiền mã hóa, trong một tuần mà người ta tưởng số liệu 9,1% sẽ giết chết nhóm “hàng đầu cơ” này. Đây chính là đại diện của quan điểm “không sợ lạm phát nữa”. Đến lúc này, không ai có thể chắc chắn quan điểm trên là đúng hay sai, nhưng có một điều chắc chắn rằng, không thể cứ sợ lạm phát mà không làm gì và nỗi sợ nào cũng sẽ đi đến điểm kết thúc.

Tin liên quan
Tin khác