Chỉ số CPI tháng 11/2021 của Mỹ tăng 0,8% so với tháng trước. Ảnh: AFP |
Giá cả hàng hóa dịch vụ của Mỹ đã tăng vọt trong năm 2021 và sẽ mất một thời gian để trở lại mức bình thường. Nghĩa là, lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Dữ liệu lạm phát tháng 11/2021 được đài CNN tổng hợp cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - hai trong số các thước đo lạm phát được theo dõi nhiều nhất - đều đã tăng lên mức cao nhất trong 39 năm qua. Trong đó, CPI tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tháng 11 của Mỹ chỉ nhích 0,5% so với tháng trước và chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây vẫn là mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 1991.
Trong hai chỉ số này, PCE là chỉ số mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quan tâm nhất khi đánh giá lạm phát.
Hiện vẫn còn dư địa để lạc quan về tình hình lạm phát của Mỹ trong năm 2022 nếu Fed ra tay ổn định giá cả và mạnh tay thu hẹp các gói kích thích kinh tế. Lạm phát và nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng được kỳ vọng sẽ được kiềm chế nếu Fed tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 như dự kiến sau cuộc họp chính sách gần đây.
Hơn nữa, đã xuất hiện tín hiệu tốt khi cả hai chỉ số CPI và PCE trong tháng 11 đã tăng chậm hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, các nhà kinh tế thường đánh giá biến động giá cả trong quãng thời gian 12 tháng. Cho nên, sức tăng giá chậm lại trong tháng 11 không phản ánh hết được bức tranh lạm phát cả năm 2021.
Các chuyên gia dự báo có thể mất lộ trình vài tháng để lạm phát Mỹ tăng chậm lại. Ngay cả khi giá cả đột ngột giảm mạnh, thì vẫn cần thời gian để phán ánh vào các thước đó lạm phát chính như CPI và PCE. Đây cũng là những lý giải của Chủ tịch Fed Jerome Powell về "các hiệu ứng cơ bản".
Mặt khác, một số tác nhân được dự báo sẽ tiếp tục đẩy lạm phát Mỹ tăng cao. Đáng kể là tình trạng ách tắc chuỗi cung ứng xảy ra vào mùa hè năm ngoái, dù một số nút thắt đã được nới lỏng, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, hàng hóa vẫn sẽ tăng giá và việc vận chuyển hàng hóa sẽ cần nhiều thời gian hơn. Chi phí vận chuyển tăng cao có thể tiếp tục bị đẩy sang tay người tiêu dùng.
Chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao là một tác nhân khác. Giá năng lượng và thực phẩm đã tăng vọt trong năm 2021 và đóng góp một phần không nhỏ vào lạm phát của Mỹ. Đối với thực phẩm, giá cả tăng cao buộc một số người tiêu dùng phải giảm bớt chi tiêu hoặc chuyển đổi địa điểm mua sắm.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình hình giá năng lượng và thực phẩm sẽ khó có thể được cải thiện hơn trong năm 2022. Ngoài nhu cầu và chi phí vận chuyển tăng cao, giá phân bón tăng và thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục đẩy giá lương thực tăng lên, ngay cả khi các áp lực lạm phát giảm bớt.
Bên cạnh đó, giá thuê nhà tăng cao cũng là mối lo lạm phát vì nhà ở chiếm một lượng lớn chi tiêu của người Mỹ. Nếu giá thuê nhà chiếm tỷ trọng lớn hơn, người Mỹ có thể sẽ phải chi tiêu ít hơn và đây sẽ là tin xấu cho sự phục hồi kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế tại Bank of America, tháng 11/2021 chứng kiến giá thuê nhà tại Mỹ tăng 0,4% trong tháng thứ ba liên tiếp và điều này báo hiệu lạm phát sẽ tăng cao và dai dẳng hơn trong tương lai.
Còn ông Peter B. McCrory, chuyên gia kinh tế tại hãng dịch vụ tài chính JPMorgan cho rằng: "Áp lực lạm phát gần đây gia tăng cùng với sự gia tăng đáng chú ý của tiền cho thuê nhà".
Omicron là tác nhân thứ ba đẩy lạm phát Mỹ tiếp tục tăng. Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục trong những tuần gần đây do biến thể Omicron lây lan nhanh chóng. Nếu Mỹ áp dụng một đợt phong tỏa mới, có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong chi tiêu của người Mỹ và thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng tại nhà.