Tham dự lễ hội có ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch...
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, cà rốt là 1 trong 8 nông sản chủ lực của Hải Dương, được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Cà rốt được trồng chủ yếu ở một số xã của các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP. Chí Linh, tạo nên những cánh đồng cà rốt bạt ngàn trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và Kinh Thầy. Diện tích gieo trồng cà rốt hằng năm của Hải Dương khoảng 1.600 ha với sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn. Lễ hội cũng là dịp cầu mong mùa vụ tiếp theo được mưa thuận, gió hòa, cà rốt bội thu, được mùa, được giá. Thông qua lễ hội, tỉnh cũng mong muốn được quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà rốt, để nông sản chủ lực của tỉnh vươn tầm quốc tế.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022. Ảnh: Thành Chung |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, hiện nay, cây cà rốt được tỉnh sản xuất tập trung hàng hóa theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng đất bãi ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, chủ yếu tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh...
Cà rốt của Hải Dương sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được người dân gieo trồng trong khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau. Cà rốt phục vụ tiêu dùng trong nước và 80% sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Trung Đông...; số còn lại tiêu thụ trong nước dưới dạng củ tươi, nước ép, mứt và sấy khô làm gia vị trong sản xuất mỳ tôm, cháo ăn liền...
Thu hoạch cà rốt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thành Chung |
Trong vụ đông 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha trồng cà rốt, sản lượng ước đạt khoảng 65.000 tấn. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn trồng gần 2.000 ha cà rốt ở các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình... Năm nay, lần đầu tiên tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các vùng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 281 ha ở trong tỉnh. Các vùng này được hỗ trợ một phần kinh phí thuốc bảo vệ thực vật và tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài các vùng được cấp giấy chứng nhận này, tất cả các vùng trồng cà rốt còn lại trong tỉnh cũng đều áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tại lễ hội năm nay, các đại biểu, du khách và bà con nông dân được tham gia Lễ rước cà rốt vào đền Tam Phủ ở bãi sông Thái Bình, xã Đức Chính để tỏ lòng thành kính với đất trời, tổ tiên và cầu mong những mùa vụ bội thu. Từ đó, người trồng cà rốt sẽ gắn bó với ruộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới.
Các đại biểu cắt băng xuất khẩu cà rốt sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Ảnh: Thành Chung |
Sau khi tham quan mô hình sơ chế cà rốt tại HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, các đại biểu đã cắt băng xuất khẩu cà rốt sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây là sự kiện khẳng định sản phẩm chủ lực của tỉnh chinh phục được những thị trường khó tính với đòi hỏi khắt khe.