“Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung chia sẻ tại Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021, cả nước có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu ha là đất sản xuất nông nghiệp. Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.
Theo Cục Trồng trọt, đặc thù của Việt Nam là 70% đất đai canh tác nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao. Việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.
Trong bối cảnh đó, ngày 11/10/2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã ký quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV về Phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Mục tiêu của đề án nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Phùng Hà, đánh giá Đề án được ban hành đúng thời điểm. Việc nâng cao sức khỏe của đất trồng là đúng do chất lượng đất đã bị suy giảm rất nhiều, đặc biệt là độ phì nhiêu của đất.
Theo ông Hà, mối liên hệ giữa đất với cây trồng là đương nhiên, giữa đất và cây là phân bón. Cây trồng muốn phát triển phải có phân bón, nếu không sử dụng phân bón thì 50% dân số sẽ thiếu lương thực.
“Thực trạng tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ. Thứ hai, nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón hữu cơ, tăng phân bón hữu cơ”, ông Phùng Hà chia sẻ.
Lạm dụng phân bón vô cơ là một trong các nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe của đất. |
Đồng quan điểm với đại diện Hiệp hội Phân bón, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết. Ông Dũng cho rằng Việt Nam cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa. “Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục", ông nói.
PGS.TS Vũ Năng Dũng khẳng định, nếu được Bộ chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội Hội Khoa học đất Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước mắt, để Đề án được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện Đề án cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh chung chung đồng thời phải có sự phối hợp với các đơn vị Cục, Viện nghiên cứu… trong quá trình triển khai.
Ban soạn thảo Đề án cần có lộ trình cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng tới từng địa phương. Sau đó, quá trình làm cần sơ kết, tổng kết, nhằm nhận diện khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào, từ đó sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực.