Thời sự
Lần 'phá rào' an ninh của tổng thống Bush khi thăm Việt Nam năm 2006
Việt Anh - 19/05/2016 06:58
Mặc dù phía Mỹ rất lo ngại khi tổng thống nước này đến thăm Việt Nam hồi 2006 nhưng ông Bush trong lúc ngồi trong xe đã hạ kính xuống để vẫy chào người dân bên đường.
Tổng thống Mỹ George Bush đến thăm Việt Nam hồi 2006. Ảnh: AFP

Khi Việt Nam bày tỏ thiện chí sẵn sàng đón tổng thống Mỹ George Bush thăm chính thức ngay sau khi ông dự Hội nghị cấp cao APEC, bản thân ông Bush rất ái ngại. Các quan chức thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết, tổng thống băn khoăn liệu người dân Việt Nam sẽ đón nguyên thủ một nước cựu thù như thế nào, ông Nguyễn Tâm Chiến, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ,chia sẻ với VnExpress.

Theo cựu đại sứ, với hình ảnh một tổng thống Mỹ cứng rắn, tuyên chiến với khủng bố và muốn "thúc đẩy dân chủ" trên phạm vi toàn cầu, ông Bush không ít lần gặp phải "sự cố" khi đi công du nước ngoài. Thế nhưng đến Việt Nam thì hàng nghìn người kéo ra đường chào đón, khắp nơi là hoa và những nụ cười. Trước khung cảnh đó, tổng thống Mỹ đã không ngại ngần kéo thấp cửa xe xuống để vẫy chào mọi người hai bên đường. Điều đó chứng tỏ ông Bush đã trút bỏ hết lo lắng đi trên phố.

"Lúc chào từ biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi được hỏi về cảm tưởng, ông Bush đã nói thật lòng với tôi: Đại sứ biết không, tôi đi gần như khắp thế giới rồi nhưng chỉ có hai nước không ném cà chua và biểu tình chống tôi thôi, đó là Việt Nam và Honduras", ông Chiến cười lớn khi nhắc lại kỷ niệm, cho biết thêm rằng sau chuyến thăm Việt Nam, ông Bush đến Indonesia trong lúc đang có biểu tình và có người còn đốt hình nộm của ông.

Nói về "lực lượng an ninh hùng hậu" đi theo bảo vệ tổng thống Bush, ông Chiến cho biết Washington khi đó chuẩn bị mọi việc rất bài bản, có xe chống đạn, máy bay dự phòng...để bảo đảm an toàn cho ông chủ Nhà Trắng. 

Cựu đại sứ cho biết thêm, tổng thống Bush còn nói sau khi từ nhiệm có thể ông sẽ qua Việt Nam kinh doanh. Với Đệ nhất phu nhân Mỹ lúc đó, bà Laura cũng có ấn tượng rất tốt về con người và đất nước Việt Nam, những người thân thiện và mến khách. Bà rất chăm chú tìm hiểu lịch sử, văn hoá Việt Nam, có lúc đứng trầm ngâm khá lâu khi thăm Bảo tàng Chiến tranh ở TP HCM.

"Điều không hình dung được đối với Tổng thống Mỹ là ông đã có chuyến đi thoải mái và thành công như vậy đến Việt Nam", ông Chiến nói.

Theo cựu đại sứ, nhiều người Việt Nam lúc đó đã chờ đợi Tổng thống Bush đem "Quy chế thương mại bình thường thường xuyên" (PNTR) tới Việt Nam, giúp giải quyết xong vướng mắc để Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhưng điều đó đã không diễn ra, mà phải hơn một tháng sau nhờ nỗ lực chung, Mỹ mới thông qua quy chế đó cho Việt Nam.

Cựu đại sứ thẳng thắn thừa nhận hợp tác Việt - Mỹ giai đoạn ông đảm trách vị trí ở Washington cũng còn nhiều vấn đề. Hai nước bắt đầu thực hiện cụ thể các lĩnh vực trong Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hà Nội đàm phán để mua máy bay Boeing, quota hàng dệt may, xử lý các vụ kiện cá, rồi đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là những ngày "thức trắng đêm".

Nhìn lại khoảng thời gian làm đại sứ tại Mỹ từ 2001 đến 2007, ông Chiến cho rằng những gì ông trải qua có thể xem như một bài học kinh nghiệm để Việt - Mỹ thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Đó là khi xuất hiện vấn đề giữa hai nước thì không coi nó phức tạp đến mức cản trở quan hệ, đến mức "bi kịch" mà cần ngồi lại với nhau cùng giải quyết.

Chẳng hạn về phía Việt Nam, khi Mỹ đưa ra vụ kiện cá tra và basa đầu tiên năm 2002, nhiều người cho rằng Washington rất tiêu cực, không muốn tiêu thụ sản phẩm của nông dân Việt, có người "chê" rằng Việt Nam không biết vận động hành lang. Tuy nhiên vấn đề là các nông trại của Mỹ đưa ra và được chính phủ Mỹ bảo trợ nhằm hạn chế sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Mỹ có hệ thống luật chặt chẽ về các yêu cầu nhập hàng vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ. Các vụ liên quan đến kiện chống bán phá giá hiện vẫn xảy ra nhưng Việt Nam cần nhìn nhận đó là vấn đề cạnh tranh thị trường, không chính trị hóa để cùng bàn bạc cách phát triển hợp tác kinh tế

Về phía mình, Mỹ cũng cần nhìn nhận lại sự khác biệt trong đánh giá vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo với Việt Nam. Ông Chiến bày tỏ sự ủng hộ khi Tổng thống Obama đến thăm châu Á hồi năm 2009 đã nói: "Không áp đặt quan điểm của Mỹ với các nước khác". 

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp tới, cựu đại sứ chia sẻ hai nước đang trong giai đoạn bước ngoặt thực sự, ông hy vọng chặng đường "20 năm" lần thứ 4 tiếp đây sẽ là giai đoạn phát triển toàn diện. 

Hồi năm 2001, khi ông Chiến trình Quốc thư, ông Bush đã nói đó BTA là hòn đá tảng trong quan hệ hai nước. Vì thế, cựu đại sứ trông đợi Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại thời gian tới, thu hút đầu tư FDI của Mỹ và nhập khẩu các công nghệ cao. Ông Chiến hy vọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội, cùng với nỗ lực cải cách để hội nhập sâu hơn với các nước châu Á - Thái Bình Dương, tạo nên hòn đá tảng ngày càng vững chắc.

Với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ, ông Chiến cho biết ông cũng mong muốn hai nước thời gian tới tăng cường hơn hợp tác về giải quyết những hậu quả chiến tranh. Đó là vấn đề hậu quả chất độc da cam với con người và môi trường, bom mìn chưa nổ và những người mất tích. Ước tính con số người mất tích của Việt Nam hiện là 30 vạn. Theo ông, một số người cho rằng người dân Việt Nam quên đi quá khứ là không đúng, sự thực người dân gác lại quá khứ để không cản trở tương lai. Khi Việt Nam coi phát triển là ưu tiên cao nhất, thì sự hỗ trợ của Mỹ với quá trình này chính là thước đo cho hợp tác hai bên.

"Ông Bush là người rất thích các món ăn Việt, tôi hy vọng Tổng thống Obama cũng sẽ nhận thấy đây là một đất nước đáng sống và đáng làm bạn tốt", ông Chiến nói.

 

Tin liên quan
Tin khác