Gạo Việt đang được tiêu thụ khá nhiều tại Anh, song chủ yếu mang thương hiệu của nhà phân phối Ảnh: Đ.T |
UKVFTA đi vào thực thi tạm thời từ đầu năm nay và hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021 đã tạo cú hích giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho hay, lợi ích thương mại của UKVFTA đối với Việt Nam rất lớn. Bước đầu, các ngành hàng xuất khẩu của nước ta đã làm tốt việc đón bắt thời cơ từ hiệp định này để thâm nhập thị trường Anh.
Điều này thể hiện ở giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh không ngừng gia tăng, kể cả trong giai đoạn Covid-19 tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 5,64 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh 4,95 tỷ USD, đạt thặng dư thương mại 4,27 tỷ USD.
Với nền tảng là kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), UKVFTA tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa 2 nước Việt Nam - Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tối đa UKVFTA ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời, kể cả thời điểm Anh rời EU, thương mại hàng hóa của nước ta với thị trường này không những không bị gián đoạn, mà còn tăng trưởng tốt.
Trong 9 tháng của năm 2021, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu hàng hóa sang Anh đạt 4,435 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh 636 triệu USD, tăng 24,9%. 10 tháng của năm 2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,7 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Anh lượng hàng hóa trị giá 4,3 tỷ USD.
Top các mặt hàng xuất khẩu sang Anh dẫn đầu là điện thoại (đạt trên 1,1 tỷ USD), tiếp đến là sắt thép (350 triệu USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác như máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ… cũng duy trì tốt đơn hàng và đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung trong 10 tháng qua.
Một mặt hàng xuất khẩu nhanh nhạy tận dụng được lợi thế từ UKVFTA là gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu nhóm hàng này sau 9 tháng của năm 2021 đạt 201,2 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Để nông sản Việt thâm nhập chuỗi siêu thị lớn
Ngoài nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhiều lô hàng trái cây, gạo, cà phê cũng đã được doanh nghiệp trong nước xuất khẩu thành công sang Anh ngay sau khi UKVFTA đi vào thực thi. Các doanh nghiệp đã chọn con đường nhanh nhất là “bắt tay” với doanh nghiệp Việt tại Anh để giới thiệu, lan tỏa thương hiệu hàng Việt.
Tiêu biểu là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) thông qua Công ty Long Dan tại Anh để xuất khẩu 60 tấn gạo thơm ngay trong những ngày đầu UKVFTA có hiệu lực. Theo quy định của UKVFTA, gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh được miễn thuế nhập khẩu, thay vì chịu thuế 17,4% như trước đây. Lợi thế này giúp gạo Việt tăng sức cạnh tranh với các đối thủ.
Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa cũng sử dụng phương thức này để xuất khẩu nhãn tươi sang Anh, dù sản lượng còn khiêm tốn, chủ yếu thâm nhập thị trường và quảng bá thương hiệu trái cây tươi Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện phần lớn gạo Việt tiêu thụ tại Anh mang thương hiệu của nhà phân phối (như Longdan, Golden Lotus, Buffalo của Longdan Supermarket; Green Dragon của Westmill UK; Red Ant của MediFood), chứ không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu.
Lý giải điều này, ông Cường cho biết, việc gạo Việt mang thương hiệu của nhà nhập khẩu mang lại hiệu quả marketing cao hơn dùng thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt không được người tiêu dùng nước sở tại biết đến.
Đối với mặt hàng trái cây, một số loại trái cây đặc sản như nhãn, vải, thanh long, bưởi, chôm chôm đã có mặt tại các siêu thị nhỏ của người Việt tại London, nhưng chưa thâm nhập được các siêu thị lớn.
Điểm trừ của trái cây Việt Nam bán tại Anh là giá còn cao, thậm chí cao hơn 3 - 5 lần so với giá bán nhiều loại trái cây thông dụng khác trên thị trường, do chi phí vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Anh khá lớn (khoảng 12 - 13 USD/kg đối với trái cây tươi).
Anh là một thị trường lớn, nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng nông phẩm. Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, ông Cường khuyến cáo các doanh nghiệp Việt phải thực hành sản xuất theo Global GAP, đáp ứng các tiêu chuẩn HCCP của Viện Tiêu chuẩn Anh và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như ISO, SA...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải duy trì khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Costa Rica và Ấn Độ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp để quảng bá sản phẩm và xây dựng lòng tin với các bạn hàng tiềm năng. Cùng với đó, phải làm chủ được công nghệ bảo quản và vận chuyển rau quả, trái cây bằng container lạnh đường biển để giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng tại nước ngoài.