Đầu tư và cuộc sống
Lan tỏa “Tủ sách Đặng Thuỳ Trâm" đến các trường học, bệnh viện trên toàn quốc
Phương Linh - 20/11/2023 16:50
Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 15 tủ sách, mỗi tủ sách có giá trị từ 100 triệu - 150 triệu đồng.

Lễ ra mắt Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" tại Hà Nội sáng 20/11

Nhằm lan tỏa những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội, đồng thời hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên, sáng nay tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm". 

Ông Đặng Văn Hưởng, Chủ tịch Tổ chức “Trái Tim Người Lính” khu vực miền Trung - Tây nguyên phát biểu khai mạc.

“Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được khởi xướng từ đầu năm 2023, do Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp với Tổ chức "Trái tim người lính"; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20" và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng thực hiện.

Đây là chương trình mang tính cộng đồng xã hội sâu sắc, góp phần hỗ trợ việc dạy học trong nhà trường; thúc đẩy văn hóa đọc bằng việc đưa trẻ em đến với sách, đến với nguồn tri thức nhân loại.

Ông Lê Văn Thắng - đại diện gia đình Liệt Sĩ Lê Công Tấn trao kỷ vật cho Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính" đồng thời là người khởi xướng chương trình ý nghĩa nêu trên cho biết, điểm khác biệt của "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" so với nhiều tủ sách khác là sách sẽ được bổ sung hàng năm và tủ sách sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc, trao thưởng cho "Bạn đọc thông minh và sáng tạo"…

Theo đó, “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” đầu tiên được triển khai tại Trường THCS Kinh Bắc (Bắc Ninh) do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung Đoàn 272 trao tặng cho Trường THCS Kinh Bắc gồm trên 600 cuốn sách của 125 đầu sách, trong đó có cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm và một số cuốn sách hay do Nhà thơ Thanh Thảo trực tiếp lựa chọn, dành tặng các em học sinh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, nhưng trong 3 tháng qua, đã có tới 6 "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" được trao tặng cho các địa chỉ cụ thể như sau: Trường THCS Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh); Trường THCS thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang); Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn); Trường Nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần - TP. Thủ Đức; Trường THPT Lý Thường Kiệt - TP.HCM và Trường THCS Đức Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Hiện nay đã có thêm 2 "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" được chuẩn bị xong, sắp được trao tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - Nơi người nữ Anh hùng đã hi sinh hơn 50 năm trước. Đó là Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ.

Ban tổ chức ký Thỏa thuận ghi nhớ Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.

Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Đồng thời, mang đến cho các em học sinh có thêm cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách hay, chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa. Tủ sách cũng khuyến khích, tạo sức lan tỏa phong trào đọc sách và tình yêu đọc sách, nâng cao tri thức, góp phần xây dựng văn hóa đọc cho các em học sinh.

Để duy trì tủ sách trong 3 năm tiếp theo, phần lớn nguồn sách được xã hội hóa, được các nhà tài trợ, trao tặng. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức và cá nhân trong đó có các cựu chiến binh của Trung đoàn phòng không 272, Quân đoàn 14, Quân khu I, hiện đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn…

Ông Lê Văn Thắng - đại diện gia đình Liệt Sĩ Lê Công Tấn phát biểu tại buổi trao tặng

“Đối với các trường học, bệnh viện đã có sẵn thư viện, tủ sách đang hoạt động, nếu có nhu cầu bổ sung sách và đề nghị (bằng văn bản) gửi cho Chương trình hoặc qua Facebook: Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm", Nhà văn Đặng Vương Hưng thông tin thêm.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức tiếp nhận một số di vật của liệt sĩ và những kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ của 4 gia đình, thân nhân liệt sĩ đến từ huyện Phúc Thọ, quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình, TP. Hà Nội trao tặng. 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đây là những hiện vật quý hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật "Tình yêu qua chiến tranh" do Tổ chức "Trái tim người lính" phối hợp với Câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức (giai đoạn 2020 - 2025).

Kỉ vật của liệt sĩ Lê Công Tấn trao tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Những hiện vật này sẽ được sẽ lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng Trung tâm Tư liệu và Không gian Văn hóa "Trái tim người lính" nhằm phục vụ cho công tác trưng bày trong những dịp lễ lớn của đất nước và là tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Á Hậu doanh nhân Việt Nam 2023 Lê Thy Bình (tác giả cuốn sách Á hậu Lọ Lem) trao tặng 1.000 cuốn sách, trị giá 200 triệu đồng cho đại diện Ban tổ chức.

Tại sự kiện, Ban tổ chức giới thiệu cuốn sách Á hậu “Lọ Lem” của tác giả Lê Thy Bình và tiếp nhận 1.000 cuốn sách, trị giá 200 triệu đồng được tác giả trao tặng để gửi tặng thư viện, tủ sách của các nhà trường và bệnh viện.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai chia sẻ tại buổi lễ

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận xét về cuốn sách của tác giả Lê Thy Bình rằng: “Cuốn tự truyện của Thy Bình không chỉ cho bạn đọc biết được những thân phận đàn bà xưa với nhiều gian truân, cơ cực, đói khát và thất bại… để rồi đã chiến thắng số phận. Cuốn sách còn cho ta biết phép ứng xử tình người, biết vị tha yêu thương con người, nhất là người phụ nữ…”.

 

Tin liên quan
Tin khác