Chuyện làng, chuyện phố
Láng giềng ở chung cư!
Linh Chi - 28/01/2020 13:16
Chắc hẳn có người chép miệng: “Việc chẳng đáng gì mà cứ gây khó khăn cho nhau”, thế nhưng cái “không đáng gì ấy” nó lại biểu hiện thứ bậc trong một môi trường văn hóa, mà nôm na gọi là văn hóa chung cư.

Ông bà xưa có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, ý coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ngày nay, nhiều người lựa chọn mua căn hộ chung cư không chỉ vì tiện nghi của nó, mà còn vì họ muốn sống trong một cộng đồng, nơi có những người cùng đẳng cấp với họ cả về kinh tế lẫn tri thức.

Khác với nhà phố, sống trong chung cư người ta có nhận thức hơn việc mình đang sống trong một cộng đồng, cần phải tuân thủ những quy định và luôn ý thức đâu là quyền lợi của chính mình. Thế nhưng, thực tế, vấn đề ứng xử có văn hóa trong chung cư vẫn là một điều gì đó xa vời.

Vứt rác bừa bãi, chó mèo vô tư vệ sinh ra hành lang dù có quy định cấm nuôi, khạc nhổ bừa bãi, hay lấy mũ bảo hiểm của nhau trong nhà để xe…, diễn ra gần như thường xuyên ở nhiều chung cư tại Hà Nội và TP.HCM. Điều đáng nói, dù đã khéo léo nhắc nhở, nhưng không ít người lại tỏ ra khó chịu và có thái độ không hợp tác.

Bất lực là cảm giác chung của các ban quản trị tại nhiều chung cư trước những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận cư dân. Vào các diễn đàn trên mạng có thể dễ dàng thấy, mỗi ngày có hàng trăm cuộc thảo luận với hàng nghìn bình luận về những hành vi thiếu ý thức, thậm chí gây nguy hiểm cho người khác trong nếp sống của nhiều người tại các chung cư được cư dân chia sẻ.

Đơn cử, một câu chuyện dễ thấy nhất là cấm đun bếp than trong các khu chung cư để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng tại không ít chung cư hiện nay, vẫn có người sử dụng bếp than.

Giữa năm 2019, cư dân chung cư An Bình City (Hà Nội) cuống cuồng tháo chạy khi có báo cháy. Khói đen xuất hiện từ một căn hộ ở tầng 17 rồi lan đến tầng 23. Chủ căn hộ đi vắng, mọi người tìm cách vào để dập lửa và phát hiện điều khó tin: đám cháy xuất phát từ hành lang, nơi chủ nhà tập kết hàng trăm viên than tổ ong, hộp các tông để đun nấu.

Một vấn đề nhẹ nhàng hơn, không đến mức gây nguy hiểm như đun than tổ ong trong các chung cư, nhưng cũng gây ra lắm phiền toái không kém là việc sử dụng thang máy.

Trục giao thông huyết mạch của cả tòa nhà chung cư lại bỗng dưng trở thành chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ, thành “phòng ăn” cho trẻ và thậm chí trở thành WC bất đắc dĩ.

Ngay tại chung cư của người viết, có lần thang máy nhét chật kín người (tất nhiên là tôi đứng ở ngoài), chuông báo quá tải kêu liên hồi, nhưng tuyệt nhiên không ai bước ra. Có lẽ, mọi người đều nghĩ “sẽ có người bước ra”, nên mình không cần phải ra. Phải mất một hồi lâu mới có một cậu trai trẻ ở tít bên trong "chấp nhận hy sinh". Tôi để ý thấy, những người ở lại đều cười rất tươi.

Đó là chưa kể tới câu chuyện, cư dân khu nhà tôi từng tá hỏa khi sáng sớm bước vào thang máy thấy nước tiểu. Trích xuất từ camera thì phát hiện một nam cư dân của tòa nhà đêm qua say rượu đã thản nhiên tè bậy ra thang máy, vì tưởng đó là... nhà vệ sinh. Một lần khác, có người mẹ đón con 2 tuổi đi học về, con buồn đi vệ sinh, người mẹ đã hồn nhiên cho con đi tè luôn trong cabin thang máy, dù biết có camera giám sát. 

Nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Điều này đã phản ánh một khía cạnh khác, rất đẹp của tâm tình người Việt, ấy là sự hội tụ tâm sức, tài hoa, quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm thế hệ đi trước.

Sự kế thừa này làm cho văn hóa làng xã bền vững suốt hàng nghìn năm. Thế nhưng, văn hóa chung cư không giống như văn hóa làng xã, mà đó là nơi người mua nhà bị ràng buộc và phải tuân thủ theo các nội quy của khu dân cư để đảm bảo môi trường sống chung.

Chung cư cao tầng là không gian ở thẳng đứng với rất nhiều trang thiết bị hiện đại và các quy định sử dụng chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn cho người ở và cho cộng đồng chung cư. Ở chung cư có không gian chung, nhưng điều đó không có nghĩa không gian đó mình muốn làm gì cũng được.

Không thể coi hành lang chung là cái sân riêng của nhà mình để đốt vàng mã, hay chiếm dụng một góc nào đó để làm nhà kho riêng. Không thể tùy tiện đập phá, cơi nới, thay đổi công năng căn hộ và không thể khạc nhổ, vứt rác bừa bãi nơi hành lang, trong buồng thang máy.

Tại một cuộc hội thảo về văn hóa chung cư, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mỗi người cần có sự gắn kết, trách nhiệm với không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, đó còn là môi trường, thiên nhiên, văn hóa và con người với con người. Chỉ khi mỗi người gắn kết được với nơi mình sống, thì mới có thể làm nơi đó trở nên có ý nghĩa và đẹp đẽ hơn. Điều này thực sự cần thiết với những khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, bởi đô thị là nơi có thể phá vỡ những gắn kết truyền thống của người Việt.

Hiểu một cách nôm na, sự hài lòng, cảm giác bình yên ở các khu nhà cao tầng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc công trình xây dựng mới hay cũ, hiện đại hay cũ kỹ, lạc hậu, mà liên quan rất nhiều đến hành vi ứng xử, nếp sinh hoạt của cư dân tại đó. Hay nói một cách mà ít ai muốn nghe, sống trong chung cư thì sự riêng - chung được phân định rất rạch ròi, thậm chí đến nghiệt ngã. 

Tôi thích sống ở chung cư và tôi rất muốn xây dựng môi trường văn minh tại nơi mình sống. Đôi khi chỉ là hành động nhỏ, nhưng lại nuôi dưỡng được bầu không khí tốt đẹp, thân thiện và hơn cả, tôi mong muốn những đứa con của mình được lớn lên trong một môi trường văn minh, hiện đại, chí ít là có ý thức hơn những gì cha mẹ nó đã từng trải qua.

Chung cư là một xã hội thu nhỏ, mỗi người một tính cách và quan điểm sống, nhưng trước những thay đổi của điều kiện sống, đòi hỏi mỗi người cần phải có thay đổi, từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, phù hợp với cuộc sống chung.

Có như thế, mới có thể cùng xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại tại các khu chung cư.

Tin liên quan
Tin khác