Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn |
Nổi bật vai trò tham mưu chiến lược
“Liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019, kết quả xếp loại cải cách hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn luôn được đánh giá xếp ở nhóm đơn vị dẫn đầu các sở, ngành trong tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn chia sẻ về thành tựu của cơ quan này trong những năm qua.
Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, qua đó đã làm tốt chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính đảm bảo tính công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, lấy cải cách hành chính làm khâu then chốt, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, cửa quyền khi thực thi công vụ; góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước.
Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn được tăng dần qua các năm. Nếu năm 2016, PCI của Lạng Sơn đạt 56,29 điểm, xếp thứ 57 trong số 63 tỉnh, thành phố, thì đến năm 2019, chỉ số này đạt 63,79 điểm, xếp thứ 50.
Bên cạnh đó, công tác tham mưu tổng hợp, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tích cực. Thực hiện Luật Quy hoạch, từ năm 2018, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 3/6/2020). Hiện tại, Sở đang tích cực triển khai các bước để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, sớm triển khai xây dựng để đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ được duyệt.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 101.500 tỷ đồng, gấp 2,3 lần giai đoạn 2011 - 2015. Nguồn vốn đầu tư công được ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng cấp thiết (giao thông, điện, thủy lợi, trường học, cơ sở y tế...) và tập trung cho các khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực nông thôn, vùng xa, biên giới. Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển giao thông nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, trồng rừng…
Nhờ đó, tính đến năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 43,3%; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 86,16% (181 xã sau khi sáp nhập); 5.506 phòng học kiên cố, 21 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2020 là 225 trường; tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99,9%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; toàn tỉnh có 150/181 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 74/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới (65/181 xã sau sáp nhập), tăng 61 xã so với năm 2015…, góp phần hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu của kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra.
Có thể nói, xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, vai trò tham mưu chiến lược cho Đảng bộ, UBND tỉnh được cơ quan này thực thi một cách nhất quán, tương tự vai trò “cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước” của ngành kế hoạch và đầu tư, như lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tiếp nối truyền thống tự hào
Trong định hướng phát triển 5 năm tiếp theo (2020 - 2025), phấn đấu “xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”, với 4 chương trình công trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Một là, tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới.
Ba là, tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bốn là, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hướng dẫn của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 là: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17 - 18%, khu vực công nghiệp - xây dựng 25 - 26%, khu vực dịch vụ 52 - 53%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 2.900 - 3.000 USD.
Để đạt được những mục tiêu đó, tháng 4/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, chức năng tham mưu quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư của cơ quan này được UBND tỉnh tái khẳng định và nhấn mạnh.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn có chức năng tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa bàn tỉnh; quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, tiếp nối những thành công đã đạt được trong quá khứ, tập thể lãnh đạo, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn ý thức sâu sắc về việc phát huy truyền thống của ngành, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao nhận thức tư tưởng của toàn thể đảng viên, công chức, người lao động, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong nội bộ cơ quan. Đồng thời, đầu tư cho con người, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn gắn liền với đánh giá chất lượng và tiến độ công việc của từng cá nhân công chức, người lao động, hướng tới một tập thể trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.