Đây là thông tin được ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital, chia sẻ trong chuyến tham quan Tokyo gần đây, theo Asia Nikkei.
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital. Ảnh: Nikkei Asia. |
Ông Ovel dự đoán rằng theo thời gian, định giá của nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể giảm 50% so với mức năm 2021. Ông nói: "Khi dòng vốn đến từ cộng đồng đầu tư mạo hiểm ít đi, những người sáng lập sẽ thực tế hơn với các kỳ vọng về định giá startup. Không ai chấp nhận định giá thấp vào thời điểm này, nhưng sớm hay muộn… có thể 6 hoặc 12 tháng nữa, họ sẽ phải chấp nhận".
Thống kê cho thấy trong quý I/2023, các thương vụ rót vốn vào startup Việt Nam có tổng giá trị 95 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, theo DealStreet Asia. Nguyên nhân kìm hãm hoạt động đầu tư trong ba tháng đầu năm chủ yếu đến từ áp lực lãi suất cao và bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng.
Tuy nhiên, đại diện Mekong Captial nhận thấy "cơ hội lớn" để kiếm lợi nhuận từ sự thay đổi và đang xem xét thành lập một quỹ mới tại Việt Nam "có thể trong năm tới".
Mekong Capital được thành lập vào 2001 và là quỹ đầu tiên của Việt Nam tập trung rót vốn vào các công ty tư nhân. Mekong Capital đã ra mắt 5 quỹ, với lần huy động gần đây nhất là 246 triệu USD vào năm 2019.
Các thương vụ đầu tư của Mekong Capital thường có giá trị từ 10-35 triệu USD cho mỗi công ty, tập trung vào những vòng gọi vốn đầu tiên.
Lãnh đạo Mekong Capital nói thêm: “Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực có quá nhiều vốn, nhưng lại có ít cơ hội tại Viêt Nam, nên họ đang góp phần tạo ra những mức định giá startup 'điên rồ'. Tôi thậm chí không thể giải thích được những mức định giá, ví dụ cao gấp 8 lần hoặc 10 lần doanh thu. Thời kỳ ‘tiền dễ’ diễn ra trong thời gian quá dài nên tâm lý của nhiều startup vẫn chưa thay đổi”.
Mekong Capital đã phản ứng lại xu hướng này bằng cách duy trì sự tập trung vào các startup tiêu dùng hứa hẹn tạo ra dòng tiền ổn định và tránh đầu tư vào những công ty công nghệ có mức định giá quá cao. "Chúng tôi là một quỹ đầu tư rất kỷ luật”, ông Ovel nói.
Lãnh đạo Mekong Capital cho biết quỹ đã làm việc với các công ty tiêu dùng mà họ đầu tư để tập trung vào cải thiện những cửa hàng sẵn có hơn là mở thêm địa điểm mới.
"Nhiều công ty đang phải chuyển đổi từ mô hình cũ (đốt tiền để mở rộng quy mô, không chú trọng tới lợi nhuận) sang mô hình mới (tìm kiếm lợi nhuận, phát triển bền vững). Đó là cách để tối ưu hóa và cải thiện tất cả các chỉ số kinh doanh", ông Ovel nói.
"Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này để thực sự giúp các công ty khởi nghiệp tinh gọn bộ máy và trở nên mạnh mẽ hơn. Sau đó, khi dòng vốn đầu tư bắt đầu sôi động trở lại, chúng tôi sẽ quay về với chiến lược tăng trưởng”, lãnh đạo Mekong Capital chia sẻ thêm.