Từ ngày 1/9 tới, nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ có thể được tìm thấy trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại địa chỉ www.business.gov.vn) theo yêu cầu về minh bạch thông tin tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Vietnam Airlines sẽ phải công khai thông tin về tiến trình cổ phần hóa đến các nhà đầu tư theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP |
Như vậy, cùng với các thông tin bắt buộc công bố trên trang điện tử của doanh nghiệp này, bức tranh vốn khá mù mờ về khu vực doanh nghiệp nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế, hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi, đặc biệt là trong các lĩnh vực độc quyền... được kỳ vọng sẽ dần sáng tỏ.
Cũng phải nhấn mạnh, đây mới là các quy định. Vấn đề lúc này là kỷ luật thực thi và cơ chế giám sát trách nhiệm rõ ràng.
Tình hình đang thay đổi. Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định rõ các nội dung thông tin cần công khai, minh bạch, từ nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao; thông tin về cơ cấu sở hữu và tài sản; danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn…
Quy trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác; quy trình tổ chức thực hiện và kế quả thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn của công ty mẹ; quyết định kế hoạch hàng năm của công ty mẹ mà chủ sở hữu đã thông qua; quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngành nghề kinh doanh của các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ; việc sử dụng lợi nhuận hay xử lý các khoản lỗ… được yêu cầu báo cáo định kỳ.
Các thông tin này phải được công bố trên trang điện tử của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hay trên trang thông tin điện từ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, thì còn phải tuân thủ quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh các yêu cầu về công khai thông tin, Nghị định 69/2014/NĐ-CP cũng quy định rõ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký kinh doanh, nhưng phải thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng thành viên, tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty cho cơ quan đăng ký kinh doanh, việc tập trung kinh tế theo quy định.
Ngay cả thông tin về việc thành lập tập đoàn kinh tế cũng được làm rõ, không chỉ đáp ứng các điều kiện về ngành, lĩnh vực kinh doanh, mà còn phụ thuộc vào việc lựa chọn ngành, lĩnh vực theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định…
Như vậy, áp lực buộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước công bố thông tin không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước, mà còn từ sự giám sát của cộng đồng, của đối tác, bạn hàng, của xã hội…
Cơ sở pháp lý để tăng cường việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ ban hành. Đòi hỏi hiện giờ là trách nhiệm trong thực thi Nghị định này của từng đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Bảo Duy