Cần cộng đồng chung tay với nhà trường
“Một ngày, xem bao nhiêu clip của các anh chị em quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ gửi về mà đau lòng! Bao nhiêu cảnh tượng tung lên clip thật dã man. Từ chuyện mẹ lột quần con cho đến rất nhiều cảnh toàn học sinh cấp 2 đánh bạn, đạp vào bộ phận sinh dục của bạn, tè lên người bạn, bắt bạn quỳ... Cả đám cùng nhau đánh, lại còn quay clip, nhân cách chẳng thấy đâu chứ nói chi đến lòng trắc ẩn” - đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy kêu gọi không nên đợi đến Tuần lễ Phòng chống bạo hành trẻ em vào đầu tháng 11 tới, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, cộng đồng cần chung tay, nhìn thẳng sự thật để cùng nhau bồi đắp nhân cách cho trẻ, cho con sức mạnh nội tâm và những kỹ năng cần thiết.
Theo Tiến sỹ Tâm lý Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Hội liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường thế giới, chỉ có yêu thương mới đẩy lùi được bạo lực, mỗi người cần bắt đầu bằng những hành động cụ thể, kể cả những ai không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý.
Nằm trong chương trình Tuần lễ Phòng chống bạo hành trẻ em sẽ có hàng loạt các hoạt động như chương trình nói chuyện của chuyên gia Catherine Yến Phạm tại 5 thành phố lớn. Tại Hà Nội vào ngày 6-11, Huế ngày 11-11, ngày 12-11 tại Đà Nẵng, TP.HCM vào ngày 20-11 và 27-11 tại Cần Thơ.
Chương trình sẽ tập trung vào những đề tài và những kỹ năng kiềm chế cơn giận khi đối diện với con; Bảo vệ con trước bạo lực xã hội (lời nói, hành vi, suy nghĩ quan niệm xã hội); Dạy con kỹ năng ứng phó trước bạo lực; Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em…
Tư vấn tâm lý để hạn chế hành vi tiêu cực
Theo TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh với học sinh; giữa giáo viên và học sinh. Những lệch lạc trong ứng xử diễn ra trong môi trường học đường bao gồm hành hung, đánh hội đồng, trốn học, bỏ học, quay bài, nói bậy, chửi thề, yêu sớm, lấy trộm đồ của bạn…
Để khắc phục những tồn tại đó thì tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, giúp các cá nhân giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và xây dựng các mối quan hệ tích cực - một yếu tố quan trọng của văn hóa học đường. Khi các cá nhân xây dựng được niềm tin, các giá trị, lòng tự trọng, tuân thủ các chuẩn mực… thì sẽ tạo ra môi trường lành mạnh.
Thực tế, theo TS Hoàng Gia Trang, hoạt động tư vấn tâm lý tại một số trường ở Hà Nội như THPT Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành đã cho kết quả bước đầu tích cực: 100% học sinh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Trong đó, có 36,78% học sinh cho rằng được giải tỏa về tinh thần và cảm thấy được chia sẻ; 29,31% học sinh thấy tự tin có thể giải quyết được vấn đề tương tự nếu có vướng mắc; hơn 60% học sinh cho biết đã giải quyết được vấn đề của mình nhờ có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hoạt động tư vấn tâm lý hiện nay chưa có vị trí chính thức trong các trường học. Việc tuyển dụng và tổ chức các hoạt động do các trường học tự cân đối, quyết định.
“Đã đến lúc không thể chờ đầy đủ mọi điều kiện mới tổ chức hoạt động này. Tháng 11 tới, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội sẽ phối hợp với ngành giáo dục bàn các biện pháp triển khai sớm như đưa chuyên gia vào nhà trường, tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán, đưa ra các mô hình tư vấn phù hợp với trường học…”.
Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện các trường học chưa có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên tư vấn học đường thì việc phối hợp các lực lượng xã hội cũng là một giải pháp có thể thực hiện được. Các trường cần phối hợp với các tổ chức ở địa phương để tiến hành công tác xã hội hóa hoạt động tư vấn học đường, huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh, các đoàn thể xã hội để đảm bảo công tác này được thực hiện tốt nhất.