Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Thưa Bộ trưởng, tính cấp thiết của việc nâng tầm kinh tế hợp tác, thúc đẩy chuyển mạnh sang kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL đang được định hình ra sao?
Tôi thường quan sát và nhận ra rằng, đôi khi có những vấn đề vốn dĩ không mới nên chúng ta dễ bị ngộ nhận rằng mình đã biết, đã hiểu, đã làm. Tuy nhiên, đôi khi nhìn lại mới vỡ lẽ rằng chúng ta chỉ tiếp cận bằng một góc nhìn quen thuộc mà thiếu cách nhìn đa diện, cách tiếp cận đa chiều, đa giá trị. Tôi nghĩ, giờ là lúc chúng ta cần nhìn lại, định hình lại để nghĩ khác đi, làm khác đi đối với hợp tác xã (HTX).
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều cảm thấy nặng lòng, khi ĐBSCL luôn được định vị là một vùng trũng về kinh tế, về hạ tầng, về nguồn nhân lực so với các vùng miền khác trong cả nước. Chắc hẳn ai cũng đầy trắc ẩn trước tình trạng hơn một triệu người Đồng bằng rời bỏ làng quê đi tìm mưu sinh ở các khu công nghiệp, đô thị lớn. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cám cảnh trước thông tin gây tranh cãi gần đây về thu nhập của người nông dân trồng lúa có thực sự tăng 100% hay không trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu đạt đỉnh trong thời gian qua? Tất cả đều đó có một phần nguyên nhân mà chúng ta tìm kiếm giải pháp trong chủ đề HTX bền vững.
Khi và chỉ khi chúng ta nhìn HTX không chỉ là một thiết chế kinh tế đơn thuần, mà là trong một cấu trúc kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn. Với cách nhìn như vậy, HTX mạnh hay yếu, bền vững hay không bền vững, không chỉ giới hạn trong không gian HTX, trong số thành viên HTX mà còn tác động đến sự bền vững của cả không gian sản xuất nông nghiệp, đời sống nông thôn, hình ảnh một nền nông nghiệp, thương hiệu nông sản. Chúng ta hãy đặt định hướng phát triển HTX bền vững trong sự tác động rộng lớn như vậy mới thấy cần phải hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, từ bên trong và cả bên ngoài HTX.
Khi và chỉ khi có HTX bền vững chúng ta mới vượt qua thực trạng một nền nông nghiệp mang một lời nguyền: manh mún, nhỏ lẽ, tự phát. Khi nào HTX phát triển đúng bản chất, khi ấy thu nhập của người nông dân được tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung, tổ chức dịch vụ chung.
Khi và chỉ khi có HTX bền vững chúng ta mới hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng và nhờ đó tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn trong chuỗi ngành hàng đó. Khi nào HTX phát triển bền vững, khi ấy nông nghiệp mới thực sự chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.
Khi và chỉ khi có HTX bền vững chúng ta mới hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, mà trước hết là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Khi nào HTX phát triển bền vững, khi ấy những giá trị gia tăng trong nông nghiệp không chỉ do quy mô sản lượng, mà còn do tối đa hoá những giá trị tích hợp từ trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản mang lại.
Khi và chỉ khi có HTX bền vững mới có có mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp trên tinh thần hài hoà lợi ích, cùng kiến tạo chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu. Khi nào HTX phát triển bền vững, khi ấy niềm tin giữa doanh nghiệp và HTX, hai thành phần chính trong chuỗi ngành hàng, mới được xác lập, tình trạng phá vở hợp đồng tiêu thụ do cả hai bên sẽ hạn chế dần, không gây rủi ro cho cả hai đối tác.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa trái) khảo sát sản phẩm OCOP của các HTX tỉnh Hậu Giang |
Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp, kế hoạch nào để cùng chính quyền, doanh nghiệp và các HTX phát triển kinh tế hợp tác bền vững?
Thứ nhất, Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần quan tâm đúng mức đối với HTX, từ trong hệ thống chính trị, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thật cụ thể, mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu cụ thể, thời gian cụ thể. Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, truyền thông nâng cao nhận thức của cả xã hội về HTX. Các trường chính trị địa phương cần đưa HTX vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ các cấp theo Kết luận 70 của Bộ chính trị và Nghị quyết 20 của Trung ương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuẩn bị đề cương, giáo trình, tập huấn cho giảng viên của các trường chính trị. Bở lẽ, những địa phương nào thực sự quan tâm với HTX, đã chủ động tháo gỡ được rất nhiều khó khăn vướng mắc từ cùng một thể chế đang vận hành.
Thứ hai, cần đặt ra một cột mốc mới đối với chiến lược phát triển HTX bền vững. Định kỳ ngày này hàng năm, chúng ta sẽ cùng nhau tổ chức những sự kiện Ngày HTX cấp địa phương và cấp vùng. Thông qua những sự kiện thường niên đó chúng ta tổng kết đánh giá bước phát triển HTX, nhằm tôn vinh những HTX mạnh, tiêu biểu, hiệu quả, năng động, có nhiều sáng kiến lan toả cộng đồng và có khả năng vươn ra thế giới.
Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các cơ quan Bộ: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Chương trình nông thôn mới, các cơ quan chức năng trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, Trường chính sách công và Phát triển nông thôn, thông qua Văn phòng điều phối Nông nghiệp - Nông thôn vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ có những kế hoạch phối hợp cụ thể với từng địa phương trong Vùng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với các địa phương trong vùng thực hiện chuyển đổi số, trong đó có số hoá nền tảng sữ liệu nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các HTX, các doanh nghiệp nông nghiệp, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, vùng nuôi..
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế các gói tín dụng cho đối tượng là HTX nông nghiệp. Ngoài chính sách tín dụng, chúng tôi đang tìm kiếm nguồn lực từ những nhà tài trợ, các định chế tài chính quan tâm và đã cam kết hỗ trợ cho các chương trình liên quan đến ĐBSCL
Sự phát triển của HTX không thể tách rời vai trò dẫn dắt và liên kết thị trường của doanh nghiệp, ông có chia sẻ nào với các doanh nghiệp, các HTX lĩnh vực này?
Theo cách tiếp cận của thế giới: “Tinh thần hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được hiểu là thái độ sống tích cực, cùng liên kết, giúp đỡ lãn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc vì lợi ích chung”. Trên tinh thần đó, muốn có hợp tác xã bền vững, tất cả chúng ta và mở rộng ra là hệ sinh thái ngành nông nghiệp đều cần phải thấm đảm tinh thần hợp tác. Chúng ta cùng hợp tác với nhau thì người sản xuất cũng sẽ hợp tác với nhau và ngược lại. Chúng ta cùng liên kết với nhau thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ liên kết với nhau, và ngược lại.
Từ suy nghĩ trên, tôi xin chia sẻ một cách suy nghĩ của một doanh nghiệp nước ngoài: “Thông thường, người ta cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận. Đành rằng lợi nhuận không thể thiếu trong mục tiêu của doanh nghiệp, nhưng nếu nói đó là mục tiêu duy nhất thì không phải. Điều quan trọng ở đây là thông qua công việc kinh doanh, chúng ta tạo ra sự phát triển của cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng đó chúng ta nhận được lợi ích. Xét theo ý nghĩa đó, kinh doanh không phải là công việc tư mà là việc công, doanh nghiệp là công cụ của xã hội”.
Như vậy, doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt HTX bước ra thị trường, tri thức hoá, chuyên nghiệp hoá lãnh đạo và thành viên HTX chứ không chỉ dừng lại ở từng thương vụ mua bán. Một lần nữa tôi tha thiết đề nghị cộng đồng doanh nghiệp dấn thân nhiều hơn nữa, cùng xây dựng đối tác đồng đẳng với các HTX. Đó cũng là minh chứng cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, là văn hoá doanh nghiệp, là thương hiệu doanh nghiệp.
Có dịp đi thăm nhiều HTX trên cả nước, qua đó tôi nhận ra nhiều điều. Nhiều HTX vươn lên nhờ sự năng động, dám tiếp cận cái mới, dám mở rộng các mối quan hệ, linh hoạt thích ứng với xu thế thị trường, chủ động tiếp cận liên kết doanh nghiệp, xây dựng chiến lược, huy động nguồn vốn nội bộ trước khi tìm cách huy động vốn của đối tác, vốn tín dụng khác. Ngược lại, nhiều HTX vẫn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ chính sách của Nhà nước. HTX thành công, bền vững khi và chỉ khi HTX dám nhìn nhận những điểm yếu của mình.
Năng lực, kỹ năng thuyết phục, khả năng dẫn dắt của người lãnh đạo HTX có ý nghĩa quyết định. Mỗi lãnh đạo HTX hãy thẳng thắn nhìn lại mình cả điểm mạnh, điểm yếu, trước khi nói đến cơ hội và thách thức rủi ro. Tôi quan niệm rằng khác với doanh nghiệp, giám đốc HTX không chỉ là một doanh nhân mà còn là thủ lĩnh trong cộng đồng nông thôn.
Theo Bộ trưởng, báo chí truyền thông cần phản ánh thông tin, khai thác sâu khía cạnh nào để góp phần phát triển HTX bền vững?
Trong thời gian qua các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đã đồng hành cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong Vùng. Nhiều chuyên mục, bài báo đã phản ánh đúng thực trạng nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Chúng tôi luôn lắng nghe trên tinh thần thực sự cầu thị bà chắt lọc đưa vào các chương trình hành động.
Tuy nhiên, những hạn chế yếu kém được phản ánh, nhiều vấn đề đã tồn tại nhiều năm, trong một nền nông nghiệp thiếu hợp tác, thiếu liên kết. Đó chính là những vấn đề báo chí cần phân tích sâu hơn để nông dân, doanh nghiệp, các cấp lãnh đạo phát hiện ra “gót chân A-sin” của mình. Truyền thông không chỉ có chức năng phản ánh thực trạng mà còn khơi gợi những hướng đi mới, tạo ra giá trị thặng dư mới bằng cách lan toả các mô hình hợp tác, liên kết. Giá trị thặng dư sẽ có được từ những chuyên mục, bài báo chuyên đề về tinh thần hợp tác nói chung và trong triết lý hình thành HTX, một mô hình phổ quát của nhân loại.
Luật HTX sửa đổi chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là hành động tiếp theo của chúng ta, Trung ương và địa phương, cấp cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và chính đội ngũ lãnh đạo HTX. Trước khi bắt tay hành động phải cùng nhau nhận thức đúng về bản chất, giá trị cốt lõi, triết lý hình thành HTX.
Tôi xin mượn lời của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu trong phiên họp Đại hội đồng nghị sự về HTX mới đây: “Hãy khôi phục lòng tin và khơi dậy hy vọng, chúng ta cần hợp tác, chúng ta cần đối thoại, chúng ta cần thấu hiểu”.