Doanh nghiệp
Lo doanh nghiệp chăn nuôi trong nước phá sản, VIPA gửi kiến nghị tới Thủ tướng
Thế Hoàng - 17/05/2023 17:59
VIPA kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như ngăn chặn gia cầm nhập lậu.
Ngành chăn nuôi gia cầm kiến nghị nhiều giải pháp để đỡ khó.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều bộ ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Kiến nghị của VIPA nêu rõ, do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covd-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu, có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất, khiến ngành gia cầm cực kỳ khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài. 

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây là nguyên nhân gia tăng nguy cơ dịch bệnh với ngành gia cầm trong nước.

Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta. 

VIPA cũng kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm để bảo vệ sản xuất trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm tăng liên tục, mà theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.

Còn trong quý I/2023, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong khi nhập khẩu thịt trâu, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm thì nhập khẩu thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, VIPA kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp; làm rõ các nội dung sẽ được sửa đổi bổ sung tại NĐ số 57/2018-CP ngày 17/4/2018 của Chính Phủ.

Hiện, doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, Vipa mong Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II/2023 đạt khoảng 1.779 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 118 nghìn tấn, tăng 5,4%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 29 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 1.128 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 504 nghìn tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Về tiêu thụ, Bộ này dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2023 vẫn chậm.

VIPA kiến nghị loạt giải pháp chính "cứu" ngành chăn nuôi gia cầm, bao gồm:

Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; Rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất; Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; Chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm; Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Tin liên quan
Tin khác