Y tế - Sức khỏe
Lo ngại về chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe
Minh Châu - 14/04/2021 11:45
Trước việc các trường đại học ngoài công lập đồng loạt mở thêm các khối ngành đào tạo về sức khoẻ, nhiều người lo ngại về việc bảo đảm chất lượng đào tạo ở lĩnh vực đặc biệt này.
Lĩnh vực đào tạo khối ngành sức khoẻ chứng kiến sự gia nhập của nhiều cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập.

 

Lo lắng về chất lượng

Bên cạnh những cái tên truyền thống như Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y Dược TP.HCM, Trường đại học Y Hải Phòng, Trường đại học Y Thái Bình…, lĩnh vực đào tạo khối ngành sức khoẻ chứng kiến sự gia nhập của nhiều cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập.

Theo thông báo mới nhất của Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM), trong mùa tuyển sinh 2021-2022, trường mở thêm 4 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe là: răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh và quản lý bệnh viện. Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến mở 8 ngành mới trong lĩnh vực sức khỏe gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu và quản lý bệnh viện.

Trong khi đó, Trường đại học Văn Lang dự kiến mở thêm 2 ngành mới ở khối sức khỏe là y đa khoa, y học cổ truyền, nâng tổng số ngành thuộc khối này là 6. Trường đại học Nguyễn Tất Thành thông báo dự kiến mở mới ngành vật lý y khoa, kỹ thuật y sinh, bên cạnh một số ngành về sức khoẻ đã có từ trước. Trường đại học Công nghệ TP.HCM cũng có kế hoạch mở 2 ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng, bên cạnh ngành dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng.

PGS-TS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, sức khỏe là ngành đào tạo đặc biệt, nắm trong tay sinh mạng của con người, nên cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo, không nên mở ngành đào tạo sức khỏe tràn lan, bởi nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo, thì hệ quả đối với hệ thống y tế là rất lớn và kéo dài có khi là cả một thế hệ. “Một chiếc máy hỏng có thể sửa chữa lại, nhưng tính mạng con người chỉ có một, không cho phép bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất”, ông Dong nêu.

Lo lắng về việc bảo đảm cơ sở thực hành cho sinh viên ngành sức khoẻ, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc thực hành trong đào tạo ở ngành y không chỉ là cơ sở thực hành ở các trường, mà còn phải thực hành trong bệnh viện. “Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là cơ sở đào tạo y khoa lớn, có thương hiệu, song để sắp xếp cho sinh viên được thực hành ở các bệnh viện lớn cũng rất khó”, ông Hiệp cho biết.

Một số ý kiến khác cho rằng, quy định mở ngành sức khỏe hiện còn một số bất cập về cơ sở thực hành. Cụ thể, không có quy định một bệnh viện chỉ được phép tiếp nhận bao nhiêu sinh viên thực hành mỗi năm, nên khó tránh khỏi tình trạng một bệnh viện có nhiều trường đại học đăng ký, dẫn đến chất lượng thực hành khó đảm bảo.

Tăng hậu kiểm

Trao đổi với phóng viên về các giải pháp để kiểm soát chất lượng đào tạo khối ngành sức khoẻ, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, các trường khi đã mở mã ngành, cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo, bởi thời gian tới, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu ra theo năng lực và cấp chứng chỉ nghề quốc gia. Nếu không đạt điều kiện, chuẩn đào tạo, thì sinh viên dù đã tốt nghiệp, cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề.

Cũng theo ông Tác, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đang kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường có mở ngành sức khỏe, đồng thời sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xem xét điều kiện mở mã ngành khối sức khỏe.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, theo quy định, các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật. Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hàng năm, Bộ sẽ thanh, kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh của các cơ sở, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

GS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, để duy trì được chất lượng đào tạo nhóm ngành sức khỏe, ngoài việc các cơ sở đào tạo đại học tự nâng cao chất lượng, phải có sự vào cuộc giám sát mạnh mẽ của các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan quản lý, xã hội, vì tại nhiều nơi, nhiều trường, tính tự giác học thuật chưa được đề cao.

“Bên cạnh đó, chúng ta đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, nên việc kiểm định chất lượng sẽ được đánh giá ngày càng tốt hơn. Đây cũng là giải pháp tạm thời để kiểm soát chất lượng đầu ra”, GS. Lê Ngọc Thành nêu.

Tin liên quan
Tin khác