Các doanh nghiệp thép trong nước đang thận trọng với kế hoạch sản xuất những tháng cuối năm |
Theo thống kê của Tổng cục Hải, 7 tháng đầu năm, trong tổng số hơn 11 triệu tấn thép nhập khẩu vào Việt Nam, với tổng giá trị kim ngạch ước đạt hơn 4,5 tỷ USD, thì riêng lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 6,5 triệu tấn, kim ngạch 2,5 tỷ USD, chiếm 60% về lượng và hơn 55% về giá trị toàn thị trường thép nhập khẩu.
Đối với thép thành phẩm và bán thành phẩm, theo số liệu thống kê của VSA, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là hơn 5,63 triệu tấn, chiếm 58,3% tổng lượng thép nhập khẩu. Con số này cho thấy xu hướng nhập khẩu thép từ Trung Quốc không giảm sau khi Việt Nam áp thuế tự vệ (tạm thời) đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu theo quyết định của Bộ Công thương, với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài, áp dụng từ ngày 22/3 đến ngày 1/8/2016.
Ngày 18/7, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài, có hiệu lực từ ngày 2/8. Theo đó, mức thuế tự vệ đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, mức thuế đối với thép dài tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%, nhưng các mức thuế sẽ giảm dần xuống còn 0% vào ngày 22/3/2020.
Đáng lưu ý, theo số liệu thống kê của VSA, so với sản lượng thép toàn ngành trong 7 tháng năm 2016 đạt 9,9 triệu tấn, thép nhập khẩu từ Trung Quốc bằng 65,6% sản lượng các nhà máy thép trong nước. Số liệu này chưa tính đến một lượng đáng kể sắt thép nhập lậu.
Diễn biến trên khiến các doanh nghiệp thép cũng như VSA lo ngại nguy cơ “hoành hành” trở lại của thép Trung Quốc nhập khẩu.
Không chỉ tại thị trường Việt Nam, mà trên thị trường thép thế giới, cơn lốc thép giá rẻ Trung Quốc chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo VSA, xuất khẩu thép của Trung Quốc đang cao ở mức kỷ lục do tình trạng dư thừa sản xuất trong nước. Trong khi đó, Chính phủ nước này tiếp tục thực hiện chính sách trợ giá xuất khẩu, khiến thị trường thép thế giới dư thừa nguồn cung, với hàng trăm triệu tấn thép tồn đọng đang phải giảm giá bán.
VSA đánh giá, dù xuất khẩu của thép Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tương đối khả quan, song trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt tình trạng dư thừa nguồn cung của thị trường thép thế giới, thì trong các tháng còn lại của năm 2016, khả năng suy giảm xuất khẩu là rất lớn, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Công ty Thép Miền Nam cho rằng, hai quý cuối năm sẽ có nhiều khó khăn đối với ngành thép Việt Nam vì cung lớn hơn cầu, đặc biệt ngành thép Trung Quốc đang dư thừa với số lượng lớn. Chính phủ Trung Quốc đã có động thái điều tiết sản xuất, giá bán không thấp hơn giá thành sản xuất, nhưng với chính sách giá rẻ từ thị trường này thì thị trường thép Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Trước thực tế này, doanh nghiệp thép lại xin bảo hộ.
“Việt Nam chung đường biên giới với Trung Quốc nên làn sóng thép nhập khẩu từ nước này càng mạnh. Sản lượng sản xuất thép và lượng thép dư thừa của Trung Quốc đang ở mức cao là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng, ngành thép Việt Nam nói chung. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách để bảo vệ những mặt hàng trong nước sản xuất được để bảo vệ ngành và việc làm cũng như thu nhập của người lao động. Hiện nay, các nước lớn như Mỹ, châu Âu cũng phải áp dụng hàng rào thuế quan, chính sách phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành thép trong nước, Việt Nam cũng nên có các giải pháp tương tự”, ông Phúc nói.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, Công ty sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp trong 2 quý cuối năm. Hiện ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi giá nguyên liệu sản xuất thép đầu vào đang có dấu hiệu tăng, nhiều khả năng giá thép trong thời gian tới sẽ phải điều chỉnh.