Các ngành nghề như trồng trọt, lâm nghiệp... trong kinh tế trang trại không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư |
Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để góp ý vào Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị bãi bỏ quy định về việc phải lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại.
“Quy định này theo chúng tôi là trái luật và không cần thiết”, VCCI gửi ý kiến tới Ban soạn thảo.
Trong Dự thảo đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi VCCI để lấy ý kiến, Điều 9.1 quy định các trường hợp các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Nếu đủ điều kiện và thành phần hồ sơ thì UBND cấp huyện sẽ ban hành Quyết định phê duyệt dự án kinh tế trang trại.
Theo VCCI, quy định này là một dạng điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, tra soát các ngành nghề kinh tế trang trại, chỉ có chăn nuôi và kinh doanh thủy sản được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư – Mục 167, trong đó nuôi trồng thuỷ sản chỉ áp dụng đối với nuôi lồng bè và thuỷ sản chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Như vậy, các ngành nghề như trồng trọt, lâm nghiệp, làm muối và nuôi trồng thuỷ sản khác không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư và vì thế, các cá nhân, tổ chức không cần đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như không phải xin phép trước khi thực hiện ở bất kỳ quy mô nào.
Đối với các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, chủ lực thì giấy phép này sẽ chồng chéo với các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đã có trong pháp luật về chăn nuôi, thuỷ sản.
Vấn đề là, theo VCCI, tờ trình của dự thảo chưa thuyết minh rõ lý do vì sao cần có thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Điều 7.1 của Luật Đầu tư cũng quy định việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh (giấy phép con) chỉ được đặt ra khi thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng.
“Tờ trình chưa làm rõ việc một cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở quy mô trang trại thì ảnh hưởng như thế nào đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng đến mức Nhà nước cần phải cấp phép. Lưu ý, cá nhân, tổ chức vẫn phải đáp ứng các quy định về đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… trong quá trình sản xuất kinh doanh”, VCCI giải trình rõ quan điểm cho rằng quy định về việc phải lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại là nội dung trái luật.
Đây không chỉ là lấn cấn duy nhất của VCCI khi góp ý cho Dự thảo.
Liên quan đến quy định về đất đai, xây dựng trong trang trại, gồm các nội dung như tuân thủ quy hoạch, mục đích sử dụng đất, chất lượng công trình, vật liệu xây dựng, diện tích xây dựng, chiều cao công trình tại Điều 10 của Dự thảo cũng đang khiến VCCI thấy lo ngại.
“Nếu các trang trại vẫn đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng vừa phải tuân thủ Điều 10 của Dự thảo sẽ tạo thêm nhiều khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực hiện. Trong trường hợp dụng ý của cơ quan soạn thảo là các trang trại sẽ được miễn áp dụng các quy định bất hợp lý tại pháp luật về đất đai, xây dựng mà chỉ pháp áp dụng quy định của Nghị định này thì cần nêu rõ tại văn bản. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật và cần được xử lý bằng các kỹ thuật lập pháp”, VCCI thể hiện rõ ý kiến.
VCCI cũng đề nghị rà soát chính xác các quy định pháp luật đang tồn tại trong lĩnh vực xây dựng, đất đai gây ra vướng mắc cho các trang trại hiện nay, phân loại các quy định gây vướng mắc để đề xuất phương án phù hợp.
Mặc dù Nghị định có tên là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, nhưng để nhận được hỗ trợ, quy trình, thủ tục không đơn giản.
Ví dụ, trang trại phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại để nhận hỗ trợ, tức là phải đợi làm xong thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại rồi lại làm tiếp thủ tục xin hỗ trợ.
Điều này sẽ làm kéo dài thời gian, tăng tính phức tạp của thủ tục hành chính và sẽ làm giảm tỷ lệ trang trại thuộc diện được hỗ trợ nhưng không thực hiện vì vướng mắc về thủ tục hành chính.
Hơn thế, tại Điều 15.2.c của Dự thảo quy định trường hợp có nhiều trang trại đề nghị hỗ trợ thì ưu tiên các trang trại sản xuất quy mô lớn có hiệu quả trong nhiều năm; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao; có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
“Đây đều là các chỉ tiêu chung chung, định tính và chắc chắn sẽ dẫn đến cơ chế “xin-cho”, thậm chí là nguy cơ tham nhũng tiêu cực trong quá trình áp dụng”, VCCI lo ngại.
Thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong các lĩnh vực khác cho thấy, hai vấn đề thường gặp dẫn đến sự không hiệu quả của các khoản hỗ trợ là sự thiếu minh bạch của tiêu chí hỗ trợ, cơ chế xin cho khiến cho các nguồn lực của Nhà nước bị lãng phí hoặc thất thoát; trình tự thủ tục quá phức tạp làm nản lòng người đáng được hỗ trợ.
Quan điểm của VCCI là làm rõ tiêu chí trang trại được hỗ trợ theo hướng khách quan, minh bạch và định lượng. Cùng với đó là thủ tục hỗ trợ đơn giản, thời gian ngắn, bảo đảm chủ trang trại chỉ cần đáp ứng đúng điều kiện là chắc chắn được hỗ trợ.
UBND cấp huyện thông báo dự kiến danh mục hỗ trợ và gửi cho UBND cấp xã;
UBND cấp xã thông báo cho trang trại trên địa bàn;
Chủ trang trại làm đơn đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp huyện;
UBND cấp huyện lập danh mục đề nghị hỗ trợ hàng năm gửi UBND cấp tỉnh;
UBND cấp tỉnh phê duyệt ngân sách hỗ trợ gửi cho UBND cấp huyện;
UBND cấp huyện rà soát, ra quyết định phê duyệt danh mục hỗ trợ;
Chủ trang trại lại tiếp tục làm hồ sơ gửi UBND cấp huyện;
UBND cấp huyện thẩm định hồ sơ và phê duyệt chính sách hỗ trợ cho trang trại;
UBND cấp huyện thông báo quyết định cho chủ trang trại và phòng ban liên quan;
Chủ trang trại làm đề nghị thanh toán gửi kho bạc Nhà nước;
Phòng chuyên môn hướng dẫn chủ trang trại lập hồ sơ trình đối với chính sách hỗ trợ yêu cầu trình tự, thủ tục riêng (hiện dự thảo chưa có quy định rõ trình tự thủ tục riêng này sẽ như thế nào).