Tốc độ tiêm chủng chưa cao
Theo đó, khoảng hơn 90.000 liều vắc-xin của Pfizer/BioNtech dự kiến sẽ về tới sân bay quốc tế Nội Bài vào sáng 7/7.
Việt Nam đã tiêm được khoảng gần 3.9 triệu liều vắc-xin trong tổng số 4,9 triệu liều đã nhận được, |
Dự kiến Quý III/2021 Việt Nam sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV/2021 có khoảng 27-28 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNtech về Việt Nam. Kinh phí mua vắc xin này từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, Việt Nam dự kiến triển khai đồng loạt 19.000 điểm tiêm chủng, trong đó có khoảng 11.000 điểm tiêm chủng sẵn có tại các xã, phường.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Bộ Y tế đã đàm phán và ký hợp đồng với Pfizer/BioNtech về việc mua 31 triệu liều vắc-xin của hãng này. Ngày 12/6, Bộ Y tế cũng đã có quyết định phê duyệt vắc-xin Covid-19 Cominarty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết vắc-xin Pfizer được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), được sản xuất tại Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ và BioNTech Manufacturing GmbH, Đức.
Vắc xin Pfizer được phát triển từ đầu năm 2020 và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, dựa trên các hồ sơ về tính an toàn và sinh miễn dịch của vắc xin.
Với nguồn cung vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự kiến gần 30 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 về Việt Nam trong 3 tháng tới, hơn 100 triệu liều về trong quý IV.
GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin, đến nay, tổng số liều vắc-xin từ nguồn mua, viện trợ là khoảng 125 triệu liều. Trong đó, nguồn Covax Facility có 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam và AstraZeneca có 30 triệu liều; nguồn thứ ba ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về 31 triệu liều (dự kiến quý III về 3 triệu liều, quý IV về 28 triệu liều).
Tháng 7, dự kiến có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam, trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vắc-xin này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer.
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn viện trợ từ một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF… với khoảng 5-10 triệu liều.
“Mới đây nhất, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý III, số còn lại về trong quý IV”, ông Thuấn nói.
Với nguồn vắc-xin Sputnik V của Nga, Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021. Ngoài ra, sẽ có nguồn 5 triệu liều vắc-xin Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, do lượng lớn vắc-xin sẽ về vào cuối năm, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến khi triển khai, có thể tiêm tối đa hơn 1 triệu liều mỗi ngày.
Ông Thuấn nhấn mạnh, nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn rất khan hiếm, do đó số lượng vắc-xin chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối.
Việc phân bổ vắc-xin hiện nay dựa trên cân bằng nhiều yếu tố như tỷ lệ mắc bệnh, dân số, mật độ dân số hoặc các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp.
Được biết, tại làn sóng dịch thứ 4, trong bối cảnh dịch còn tiếp tục gia tăng, việc sử dụng vắc-xin để ngăn chặn dịch lây lan nhanh tại các ổ dịch lớn là cấp thiết.
Theo Bộ Y tế, ngày 4/7, nước ta có thêm 24.325 người được tiêm vắc-xin Covid-19. Địa phương có số lượng người mới được tiêm nhiều nhất là Bắc Giang (8.259), tiếp theo là Hà Nội (4.327), Bắc Ninh (4.297), TP.HCM (2.023). Tổng cộng có khoảng 3,9 liều đã được sử dụng. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là hơn 200.000 người.
Theo chuyên gia phân tích, nếu đặt mục tiêu tiêm vắc-xin cho 70% dân số trong năm 2021 thì chúng ta cần tiêm cho 68,32 triệu người dân, với tổng cộng 136,64 triệu liều (2 liều/người).
Đến nay, chúng ta đã ký hợp đồng mua hoặc cung cấp cho Việt Nam 110 triệu liều vắc-xin, tuy nhiên, đa số trong số đó không bị chế tài nếu không cung cấp được vào thời gian dự kiến cung cấp đã ghi trong hợp đồng.
Vì vậy, đến nay ta không biết chính xác lúc nào 110 triệu liều vắc-xin này sẽ được đưa về Việt Nam. Việt Nam đã được Nhật Bản tặng hơn 1,9 triệu liều vắc-xin và Trung Quốc tặng 0,5 triệu liều.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được khoảng gần 3,9 triệu liều vắc-xin trong tổng số 4,9 triệu liều đã nhận được, trong đó số người đã tiêm 1 mũi là khoảng hơn 3% dân số và tiêm 2 mũi là 0,2% dân số.
Như vậy, so với tỷ lệ tiêm bình quân của thế giới là gần 13 % dân số tiêm 1 mũi và hơn 11% dân số tiêm 2 mũi thì tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam thuộc nhóm rất thấp và thấp nhất ASEAN. So với yêu cầu 70% dân số được tiêm 2 mũi năm 2021, tỷ lệ hiện nay của Việt Nam 0,2% là quá thấp.
Vấn đề của Việt Nam là làm sao trong khoảng 2-4 tháng tới có được khoảng 100 triệu liều vắc-xin và 2 tháng cuối năm có được 30 triệu liều nữa để đạt mục tiêu tiêm chủng đủ cho 70% dân số, đặt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm và hoàn chỉnh vắc-xin do Việt Nam sản xuất (khả năng đầu 2022 có thể được cấp phép sử dụng), vấn đề quyết định là tìm ra nguồn vắc-xin có thể mua nhanh hoặc hoán đổi nhanh, sau đó ta trả lại họ bằng vắc-xin mới do ta đã đặt hàng nhưng được cung cấp muộn hơn.
2 quy trình giám sát xét nghiệm Covid-19
Trước tình hình dịch phức tạp tại TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đề xuất 2 quy trình giám sát trong tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở TP.HCM thời gian qua trong những công tác này.
Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đề xuất 2 quy trình giám sát trong tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19. Ảnh: Chí Hùng |
Theo đó, các bệnh viện trên địa bàn TP có nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng. Các trung tâm y tế địa phương sẽ tổ chức lấy mẫu, truy vết, vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm (2 giờ từ khi lẫy mẫu với F1, 24 giờ với F2, người cách ly).
Các cơ sở xét nghiệm khẳng định có nhiệm vụ xét nghiệm cho các quận, huyện được phân công và điều phối của HCDC, đồng thời trả kết quả. Trong đó, thời gian cụ thể là 24 giờ với mẫu tầm soát cộng đồng, khoảng 6-10 giờ với F1, 24 giờ với F2 và người cách ly.
Sở Y tế nhận định TP.HCM đang trải qua 2 đợt dịch. Đợt dịch thứ nhất từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục hưng.
Đợt dịch thứ hai từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng. Riêng từ ngày 15/6 đến 4/7, số ca bệnh chiếm 79% tổng số ca của 2 đợt dịch.
Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng chiếm đến 75%. Tuy nhiên, những ngày gần đây, con số này chỉ còn 17%. Trong khi đó, hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.
Để ứng phó với dịch, ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Với vấn đề giãn cách, Phó thủ tướng thống nhất tinh thần TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 10, trừ các khu vực đang được phong tỏa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất quan điểm sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP, đảm bảo hàng hóa được lưu thông, không bị ách tắc.
Theo đó, TP.HCM khuyến nghị người dân ngoại tỉnh có việc thật sự cần thiết mới đến TP và phải thực hiện xét nghiệm.
TP.HCM sẽ chuẩn bị triển khai thật nhanh các hệ thống để kiểm soát và người dân phải được xét nghiệm trước khi đến hoặc rời TP. Các điểm kiểm soát sẽ sử dụng phương tiện điện tử để quét mã QR.
"Nếu có quy định mới liên quan tới việc giao thông đi lại của người dân thì phải thông báo trước ít nhất 24 giờ", ông Vũ Đức Đam yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị TP.HM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra, vào vùng dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt Bộ Y tế phải cập nhật, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ danh sách các quận, huyện, tỉnh, thành phố là vùng dịch để người dân nắm được.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc thực hiện giãn cách, phong toả cần phù hợp với tình hình thực tế và phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến khích TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thực hiện các khâu như khai báo y tế, kiểm soát, xét nghiệm, tiêm chủng.
Về test nhanh kháng nguyên, Thứ trưởng cho biết năng lực của TP.HCM có thể đạt 150.000-200.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, ngành y tế địa phương cần cân nhắc, xác định rõ trường hợp nào, khu vực nào sử dụng test nhanh, PCR mẫu gộp hoặc PCR mẫu đơn để đạt hiệu quả cao khi truy tìm F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Tối 5/7, Bộ Y tế công bố 514 ca mắc Covid-19 trong nước ghi nhận tại 17 tỉnh, thành.
Như vậy, trong ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận 1.089 ca ghi nhận trong nước, cao nhất là TP.HCM(641), tiếp đến Đồng Tháp (165), Bình Dương (131), Phú Yên (40), Khánh Hòa (18), Long An (15), An Giang (12)..
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 19.164 ca ghi nhận trong nước và 1.871 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 17.594, trong đó, 5.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Ngày 5/7, Tiều ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 4 ca tử vong từ 87 tới 90.
Ca tử vong thứ 87 là BN18265, nam, 68 tuổi, địa chỉ ở quận 11, TP.HCM. Ông có tiền sử đái tháo đường type II, bệnh tim thiếu máu cục bộ, lao phổi kháng thuốc đang điều trị tháng thứ 3, giãn tĩnh mạch 2 chi dưới.
Ca tử vong thứ 88 là BN16340, nữ, 81 tuổi, ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Bà có tiền sử tăng huyết áp, hội chứng cushing, đái tháo đường.
Ca tử vong thứ 89 là BN17100, nữ, 73 tuổi, ở Châu Thành, Long An. Bà bị suy tim, tăng huyết áp, Lupus ban đỏ, thoái hoá khớp gối, loét cùng cụt, cushing do thuốc.
Ca tử vong thứ 90 là BN19602, nữ, 88 tuổi, ở Tam Nông, Đồng Tháp. Người này có tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi cũ, di chứng đột quỵ.