Thời sự
Lỗ vẫn lo kéo điện về nông thôn
Thanh Hương - 25/04/2014 11:30
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), khi thực hiện đầu tư Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ lỗ 50 triệu USD.
TIN LIÊN QUAN

Tiêu 50.000 tỷ đồng đưa điện về nông thôn

Trong trả lời chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội cách đây vài tuần, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã cho hay, theo lộ trình, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.

   
  Tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng  

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA chiếm 85% vốn đầu tư, chủ đầu tư tự cân đối 15%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho hay, “ngân sách chưa chi một đồng nào cho việc này”.

Dẫu vậy thì trong giai đoạn từ 1998-2013, Chính phủ cùng các cơ quan hữu trách và EVN đã nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn vốn để dòng điện vươn tới vùng sâu, vùng xa.

Đã có khoảng 50.000 tỷ đồng được triển khai đầu tư phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn 62 tỉnh/thành phố (trừ TP.HCM) từ  nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVN, vốn vay thương mại, ODA, vốn ngân sách trung ương. Trong số này, phần đóng góp từ nguồn vốn ODA của các Tổ chức quốc tế là trên 2,5 tỷ USD (với nhiều thời điểm tỷ giá khác nhau). Nguồn vốn đầu tư này cũng giúp tăng thêm 2.329 xã và thêm 9 triệu hộ dân nông thôn được hưởng điện lưới quốc gia.

Mặc dù điện về nông thôn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và dù EVN không đặt ra câu chuyện lãi lỗ khi phải đi vay vốn để đầu tư cho mục tiêu quan trọng được Đảng và Nhà nước đề ra này nhưng mọi chuyện cũng không dễ dàng.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, theo tính toán của WB, sau hơn 2 năm chuẩn bị dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (RE1), EVN sẽ lỗ 50 triệu USD nếu triển khai chương trình này. Tuy nhiên với quyết tâm đưa điện về nông thôn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, câu chuyện lãi lỗ đã không phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Với quyết tâm đưa điện về nông thôn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Hiệp định vay vốn WB 150 triệu USD và dự án “Điện khí hóa nông thôn đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn AFD 19 triệu EUR đã được ký kết và thực hiện vào năm 2000.

Đây cũng là những dự án điện khí hóa nông thôn Việt Nam vay vốn nước ngoài đầu tiên có giá trị lớn với phạm vi thực hiện trên địa bàn rộng, gồm 25 tỉnh/ thành phố mà chủ yếu tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa chưa có điện. Mục tiêu được đặt ra là cấp điện đến 749 xã và 60% hộ dân trong xã chưa có điện.

Trong các dự án này EVN ngoài đầu tư lưới điện trung áp theo quyết định 22/1999/QĐ-TTg, còn gánh trách nhiệm đầu tư đồng bộ cả phần lưới điện trung, hạ áp và quản lý bán điện tới các hộ dân sau đầu tư, tạo tiền đề cho việc hình thành lưới điện nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và các hộ dân được mua điện trực tiếp từ EVN theo giá bán điện do Chính phủ qui định.

Kết quả dự án vượt xa mục tiêu được đề ra và được WB xếp vào số các dự án thành công nhất mà Tổ chức tài chính này tài trợ vốn. Đã có 976 xã có điện, vượt 365 xã với hơn 550.000 hộ dân có điện trong dự án RE1. Tại dự án Điện khí hóa nông thôn miền Nam, điện đã về tới 138 xã, vượt 60 xã được đặt ra ban đầu.

Đây cũng là đòn bẩy để WB tiếp tục hợp tác trong Dự án Năng lượng nông thôn II (RE2) với khoản tài trợ 420 triệu USD cho cải tạo, mở rộng cung cấp điện tới hơn 1.500 xã của khu vực nông thôn, có thời gian thực hiện từ năm 2005-2014.

WB cũng là nhà tài trợ Dự án” Lưới điện phân phối nông thôn- RD” với khoản vay 150 triệu USD để khắc phục tình trạng quá tải, tắc nghẽn lưới trong hệ thống phân phối điện khu vực nông thôn mà thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2013.

Không kém cạnh, các nhà tài trợ quốc tế khác cũng đã vào cuộc, tiếp sức cho EVN triển khai đưa điện về nông thôn.  Đó là Dự án Năng lượng tái tạo và cải tạo, mở rộng cung cấp điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa”vay 151 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với thời gian triển khai từ năm 2009-2015, nhằm cấp điện cho các hộ dân chưa được sử dụng điện thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Dự án Nâng cao Hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức số tiền120 triệu EUR với mục đích cải tạo và mở rộng lưới điện trung và hạ áp của khu vực nông thôn, thực hiện từ 2009 – 2014.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, WB là nhà tài trợ lớn nhất trong các dự án đưa điện về nông thôn và chúng tôi rất mong đợi sẽ có thêm các nguồn vốn ODA khác để giúp triển khai tiếp đưa điện về nông thôn bởi nhu cầu vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng là rất lớn.

Đưa điện ra đảo

Cùng với việc sử dụng các nguồn vốn cấp điện cho các xã, thôn bản, hộ dân chưa có điện trên đất liền, EVN thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh biển đảo cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc bằng cáp ngầm.

Cho tới nay, hai dự án gồm Đưa điện lưới ra huyện Đảo Cô Tô có tổng vốn đầu tư gần 1.106 tỷ từ nguồn vốn của tỉnh Quảng Ninh và vốn của EVN, cấp điện cho 1.600 hộ dân và Dự án cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc có tổng vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng, sử dụng vốn vay của WB và vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực Miền Nam, cấp điện cho hơn 16.000 hộ dân trên đảo Phú Quốc được sử dụng điện lưới đã hoàn tất việc nối lưới.  

Tại Lý Sơn, Dự án Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo này bằng cáp ngầm với  tổng mức đầu tư là 652 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách cấp 85% và vốn của EVN là 15%, đồng bộ với hệ thống lưới điện trên đảo đang được thi công do EVN thực hiện bằng ngồn vốn vay KfW có tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, cấp điện cho 5.714 hộ dân đang được khẩn trương triển khai để hoàn tất ngay trong năm 2014.

Bên cạnh việc đưa điện tới các hộ nông dân, EVN cũng đã tiếp nhận 18.475 công trình, với 22.078 km đường dây trung áp và 28.442 trạm biến áp có tổng dung lượng 2.836,051 MVA, để thống nhất quản lý và có kế hoạch đầu tư phù hợp với phát triển phụ tải của khu vực nông thôn.

Đến nay EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã chiếm tỷ lệ 84,57% số xã có điện trên cả nước, với 13,40/16,23 triệu hộ nông thôn chiếm tỷ lệ 82,59% trong tổng số 20,899 triệu khách hàng sử dụng điện. Đạt được kết quả đó thông qua cả một quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý từ hàng nghìn xã không được quản lý theo các quy định của Nhà nước, người dân mua điện với giá cao, chất lượng không ổn định, phải đóng góp tiền trong quá trình mua điện đến nay cả nước chỉ còn khoảng 1.500 xã do các tổ chức ngoài EVN quản lý và sẽ tiếp tục được bàn giao cho EVN quản lý trong thời gian tới.   

Tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới quốc gia

Năm Số xã có điện lưới quốc gia/tổng số xã trong cả nước Số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia/tổng số hộ dân nông thôn trong cả nước  (triệu hộ)
1998 6.673/8.885 7.111/11.384
31/12/2013 9.002/9.86 16.225/16.620

 

Tin liên quan
Tin khác