Năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kết quả khả quan. Trong ảnh: Nhà máy GTFV của Hồng Kông tại Hải Dương. Ảnh: Đ.T |
Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ lập “đỉnh” mới
Con số cuối cùng chưa được công bố, song khẳng định từ ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân sẽ lập “đỉnh” mới.
“Năm ngoái, chúng ta giải ngân được 19,1 tỷ USD và đấy là con số cao nhất trong vòng 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Năm nay, con số sẽ còn lớn hơn thế”, ông Hoàng nói và nhấn mạnh về chuyện, khác với số vốn đăng ký, thì đó là khoản “tiền tươi, thóc thật” đã được đưa vào nền kinh tế.
Nhưng không chỉ là vốn giải ngân, vốn đăng ký cũng rất tích cực. Dù khó lập “đỉnh” như vốn giải ngân, bởi kỷ lục thu hút hơn 72 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào năm 2007 là quá lớn, song theo khẳng định của ông Hoàng, con số năm nay cũng sẽ không thua kém con số hơn 35 tỷ USD của năm ngoái.
“Chúng tôi chưa cung cấp được chi tiết, nhưng thời gian tới, sẽ có nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đó là các khoản đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan. Cả hai đối tác đầu tư này đều có chính sách hướng Nam và coi trọng địa điểm đầu tư Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng tiết lộ và cho biết, có thể trước mắt, doanh nghiệp sẽ đầu tư dự án quy mô nhỏ hơn để thăm dò thị trường, sau đó sẽ đưa ra quyết định lớn hơn.
Thông tin gần đây cho biết, ngoài các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, SK…, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam. Ngay như LG Chemical cũng đang lên kế hoạch đầu tư một dự án quy mô lớn, chuyên sản xuất pin li-on tại Việt Nam.
Trong khi đó, Chaun-Choung, một công ty chuyên sản xuất, gia công và bán các bộ phận tản nhiệt của Đài Loan, cũng vừa quyết định đầu tư 172 triệu USD vào Việt Nam trong 7 năm tới để mở rộng mạng lưới sản xuất ra ngoài Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Dự án đang chờ được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận đầu tư, để đầu năm 2020, có thể bắt đầu triển khai.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử này cũng cho biết, tài trợ cho khoản đầu tư sẽ một phần đến từ sự hỗ trợ của công ty mẹ - Nidec Corp của Nhật Bản. Nidec vào tháng 11 năm ngoái đã mua lại phần lớn cổ phần của Chaun-Choung.
Nếu các kế hoạch này thành hiện thực, thì sẽ góp phần quan trọng nối dài danh sách các doanh nghiệp tìm đến Việt Nam trong thời gian gần đây, vừa để “tránh bão”, vừa để tìm kiếm một địa điểm đầu tư an toàn.
Sẽ có danh mục hạn chế đầu tư theo phương pháp “chọn bỏ”
Không chỉ là số lượng, mà theo khẳng định của ông Đỗ Nhất Hoàng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn. “Thời của các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã xa rồi. Không chỉ Chính phủ Việt Nam nhất quán quan điểm lựa chọn các dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, mà chính các nhà đầu tư cũng hiểu điều đó, các địa phương cũng đã cẩn trọng hơn rất nhiều trong lựa chọn dự án đầu tư”, ông Hoàng nói.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Cùng với đó, sẽ xây dựng cả tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng tiêu chí để đánh giá hiệu quả đầu tư.
“Chúng ta đang thực hiện phân cấp mạnh mẽ, nhưng lại thiếu các tiêu chí cụ thể, thiếu các định mức kinh tế kỹ thuật ở cấp quốc gia, do đó đã ‘gây khó’ cho địa phương trong thực hiện quyền lựa chọn dự án của mình”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI thừa nhận.
Vì lẽ đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, tới đây, để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể dựa trên suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng, khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước… Cùng với đó, xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà roát các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Một điều quan trọng, theo ông Hoàng, là sẽ xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư theo phương pháp chọn bỏ. “Hội nhập quốc tế rồi thì phải ‘chơi’ như vậy. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ”, ông Hoàng nói.
Với những cơ chế, chính sách như vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ kỳ vọng tăng về số lượng, mà quan trọng hơn hết, là chất lượng.
Gần đây, Goertek đã đầu tư 260 triệu USD vào Bắc Ninh, Meiko đầu tư 200 triệu USD vào Hà Nội. Sharp cũng đã đầu tư dự án 135 triệu USD ở Bình Dương. Cũng ở Bình Dương, Nitto Denko đã quyết định đầu tư tới 186 triệu USD.
Ngoài ra, Hanwa (Hàn Quốc), Yokowo (Nhật Bản), rồi Huafu (Trung Quốc) cũng đều đã lựa chọn dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. TLC đã tới tìm kiếm cơ hội xây nhà máy ở Bình Dương và mở rộng ở Quảng Ninh. Lenovo, Kyocera, Nintendo… cũng lần lượt tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội lớn hơn cho mình. Vốn đầu tư nước ngoài vì thế sẽ lập “đỉnh” ở Việt Nam.