Chiều 25/11 với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, một trong những sửa đổi đáng chú ý của luật là quy định phân loại thị thực nhà đầu tư trên cơ sở vốn góp.
Theo đó, ĐT1 - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
ĐT2 - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
ĐT3 - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
ĐT4 - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 3 tỷ đồng.
Thị thực ký hiệu ĐT1 và ĐT2 có thời hạn không quá 5 năm, ĐT3 có thời hạn không quá 3 năm, ĐT4 có thời hạn không quá 12 tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam |
Khi thảo luận, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định phân loại thị thực nhà đầu tư trên cơ sở vốn góp vì không thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ý kiến khác cho rằng thị thực ĐT4 cấp cho nhà đầu tư có vốn góp dưới 3 tỷ đồng là quá thấp, đề nghị quy định mức vốn góp tối thiểu đối với nhà đầu tư có ký hiệu thị thực ĐT4 hoặc bỏ quy định về thị thực này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc phân loại các nhà đầu tư theo mức vốn góp nhằm xác lập chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư lớn theo tinh thần nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Việc này đồng thời khắc phục được bất cập, vướng mắc trong thực tiễn khi các nhà đầu tư góp vốn thấp lợi dụng quy định cấp thị thực chung cho nhà đầu tư để ở lại lâu dài tại Việt Nam gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Quy định mức vốn góp (kể cả nhà đầu tư có ký hiệu thị thực ĐT4) trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.
Cơ quan giải trình cũng nêu rõ, Luật Đầu tư không quy định mức đầu tư tối thiểu nên không quy định mức vốn góp tối thiểu của nhà đầu tư cấp thị thực ĐT4 trong Luật này là phù hợp. Việc quy định thị thực ĐT4 trong Luật này là cần thiết gắn với mục đích, nội dung, phạm vi hoạt động tại Việt Nam của số đối tượng này, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
Đối với kiến nghị làm rõ thị thực đối với nhà đầu tư gián tiếp (như qua cổ phiếu) hoặc vốn đầu tư không cố định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, thực chất chỉ là hoạt động mua tài sản tài chính nước ngoài nhằm kiếm lời mà không kèm theo việc tham gia vào các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của doanh nghiệp như hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, trường hợp này không được xem xét để cấp thị thực như nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.