Chỉ số BDI đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới hiện ở mức 1.593 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 11/5. |
Mảng kinh doanh lõi thu hẹp
Những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu về hàng hóa suy giảm tại các thị trường quan trọng đã kéo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu năm chỉ bằng chưa tới 87% cùng kỳ năm trước, sau nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Bức tranh ảm đạm của hoạt động xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm là chỉ báo cho xu hướng giảm các hoạt động liên quan đến các dịch vụ logistic như cảng biển, vận chuyển hàng hóa, kho bãi và vận tải.
Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp ngành vận chuyển hàng hóa đều đi lùi. Một số doanh nghiệp báo lãi lớn như Công ty cổ phần Gemadept, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ đều từ các khoản thu nhập bất thường như thoái vốn công ty con, hay có thêm phí bồi thường hợp đồng.
Cụ thể, khai thác cảng - hoạt động mang về nguồn doanh thu chính của Gemadept đã giảm gần 13% trong nửa đầu năm. Nhờ tăng trưởng ở mảng logistics, doanh thu hoạt động kinh doanh mới bù lại một phần và đi ngang so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính giúp doanh nghiệp cảng biển này lãi đột biến trong quý II là thương vụ bán toàn bộ 84,66% vốn Công ty cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ đã mang về 1.844 tỷ đồng lãi thoái vốn.
Tương tự, doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ cũng giảm tới 12,6%, trong khi chi phí giá vốn tăng đã kéo biên lợi nhuận giảm mạnh. Tuy nhiên, sự cố va chạm tàu Tinger Maanshan vào cần trục đã mang đến khoản thu nhập bất thường. Công ty nhận về gần 129 tỷ đồng tiền đền bù từ tháng 1/2023, trong khi chi phí sửa chữa gần 67 tỷ đồng.
Cùng với đó, lãi tiền gửi cùng cổ tức được chia đều tăng. Lợi nhuận nửa đầu năm nhờ đó đạt 222,7 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng nhờ khoản lợi nhuận khác đột biến từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ, công ty mẹ Cảng Hải Phòng báo lãi tăng 16,6%. Doanh thu thuần từ hoạt động chính giảm 11,4% so với cùng kỳ.
Nhóm các doanh nghiệp vận tải biển không khá hơn. Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) - doanh nghiệp chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container tại Việt Nam thu hẹp quy mô doanh thu tới gần 20%, lợi nhuận giảm gần 51%. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết, sản lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh, trong khi chi phí đội tàu tăng do đầu tư thêm tàu mới năm trước khiến hoạt động khai thác tàu giảm mạnh.
Hoạt động khai thác cảng cũng giảm theo xu hướng chung. Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) là doanh nghiệp ngành vận tải biển hiếm hoi ghi nhận doanh thu tăng trưởng tới hơn 50%. Tuy nhiên, lý do là Công ty có thêm hoạt động kinh doanh bán hàng hóa. Biên lãi từ mảng mới rất mỏng, trong khi chi phí đầu vào ngành kinh doanh lõi tăng mạnh, khiến lợi nhuận của Vosco giảm tới 76,5% so với cùng kỳ.
Vùng đáy liệu đã qua?
Trái với sắc màu ảm đạm nửa đầu năm, đã có những tín hiệu hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy kỳ vọng về sự cải thiện trong dòng chảy thương mại khi bước vào nửa cuối năm. Số liệu mới cập nhật của Tổng cục Hải quan về hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 9/2023 cho thấy giá trị tăng ở cả hai chiều, trong đó xuất khẩu tăng tới hơn 12% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng nhẹ gần 1,4%, tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu.
So với tháng liền trước, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam duy trì mạch tăng từ tháng 5 đến tháng 8. Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, đây có thể là dấu hiệu cho thấy giá trị thương mại đã chạm đáy.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam cũng lần đầu tiên trong 6 tháng đầu năm cao hơn 50 (ở mức 50,5 vào tháng 8). Trong đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành thủy sản, dệt may ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới vào quý cuối năm.
Cùng với đó, đã có những tín hiệu lạc quan hơn khi nhìn vào mức tăng 47% của giá cước vận tải container toàn cầu từ đầu tháng 9 đến nay. Chỉ số Thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới hiện giao dịch ở mức 1.593 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 11/5 và cũng đang ở vùng giao dịch cao nhất từ đầu năm.
Các dấu hiệu cải thiện cũng được nhìn thấy từ số liệu khối lượng container toàn cầu trong tháng 7 lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng sau 17 tháng giảm liên tiếp nhờ sự cải thiện nhẹ về khối lượng đến từ các tuyến nội Á và Á - Âu.
Dù vậy, trong một báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI nhận định, quá trình phục hồi có thể kéo dài, không kỳ vọng sự phục hồi “hình chữ V” về mức tồn kho tại các doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ, từ đó có thể kéo dài hơn quá trình phục hồi đơn hàng và sản lượng cho ngành vận tải biển và cảng biển.
Trước đó, mức tồn kho quá cao ở thị trường Mỹ kết hợp với nhu cầu tiêu dùng yếu, kéo tiến độ giảm hàng tồn kho chậm lại. Trong giai đoạn 2007 - 2008, giá trị tồn kho danh nghĩa của Mỹ mất 1 năm để giảm xuống mức đáy, nhưng mất 3 năm để trở lại mức đỉnh cũ.