Thời sự
Lời giải cho các dự án xoá đói, giảm nghèo
Ngọc Tân - 04/02/2016 15:20
Với một mô hình hoàn toàn mới mẻ, sau một năm thực hiện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân ở 6 tỉnh được Dự án tài trợ.
Một hộ dân được hưởng lợi từ dự án

Chị Đinh Thị Huế (28 tuổi, dân tộc H’ré), trú thôn Làng Trá, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, một hộ nghèo tham gia nhóm sinh kế (LEG) về nuôi bò của Dự án cho biết: “Trước đây nhà mình không có tiền mua bò đâu. Nhờ được tham gia nhóm sinh kế mà nhà mình được nhận con bò này về nuôi. Mình sẽ nuôi nó lâu dài để lai giống, tạo đàn, lấy phân phục vụ trồng trọt chăn nuôi cho gia đình sau này.” Theo chị Huế, sau 3 tháng kể từ ngày được nhận bò, con bò giống của chị  đang chuẩn bị sinh lứa bê đầu tiên.

Ông Lê Tấn Hùng, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ngãi, Giám đốc BQL Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2016, BQL Dự án tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện nhân rộng mô hình sinh kế chăn nuôi gia súc nhỏ hơn trâu, bò như các loại dê, lợn, gà…để nhiều hộ dân có thể được tham gia dự án.

Tại tỉnh Đăk Lắc, sau 1 năm triển khai mô hình Dự án về sinh kế chăn nuôi, trồng trọt… bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tốt, năng suất cây trồng và số lượng vật nuôi tại các thôn, buôn đã không ngừng tăng lên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đói, cải thiện chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc tại các địa phương có dự án.

Chị H’ Nga Bkrông (31 tuổi, dân tộc Ba Na) trú thôn Buôn Đôn A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lắc phấn khởi cho biết, khi chưa tham gia nhóm LEG, gia đình chị chủ yếu gieo trồng bằng giống lúa  cũ, năng suất trung bình vào khoảng 4 tạ/sào. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào nhóm LEG, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và giống lúa mới, năng suất lúa của gia đình chị đã tăng lên mức 8 tạ/sào.

Theo báo cáo của Ban điều phối Trung ương Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, sau hơn 1 năm triển khai Dự án, tại 26 huyện ở 6 tỉnh, đã có 703 tiểu dự án cải thiện và phát triển sinh kế cho các hộ nghèo về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và phát triển cơ sở hạ tầng cấp thôn xã.

Đánh giá chung về kết quả đạt được, ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng, thuộc Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ  (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Ban điều phối Trung ương Dự án giảm nghèo Tây Nguyên cho biết: “Qua 1 năm thực hiện Dự án, điều đáng mừng là bà con tham gia các cộng đồng nhóm dự án đã hỗ trợ nhau rất tốt trong chăn nuôi, trong trồng trọt… qua đó góp phần cải thiện đời sống của chính bà con, tăng tình đoàn kết thôn xóm, cộng đồng.”

Với mô hình mới, Dự án tạo ra những ưu điểm nổi bật so với nhiều dự án xoá đói giảm nghèo đã được triển khai. Ngoài việc cải thiện đời sống người dân, Dự án còn góp phần tăng tình đoàn kết cho bà con ở những địa phương thực hiện.

“Bà con tham gia nhóm sẽ tương trợ lẫn nhau, giám sát lẫn nhau và điều đó góp phần giảm rủi ro cho việc sử dụng đồng vốn. Nếu một người thực hiện thì chỉ có một kinh nghiệm, một hiểu biết, nhưng nhiều người cùng làm thì sẽ có nhiều kinh nghiệm, nhiều sự hiểu biết hơn. Điều này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất cho Dự án”. Vụ trưởng Trần Ngọc Hùng cho biết.

Tin liên quan
Tin khác