Đầu tư và cuộc sống
Lời khuyên chọn ngành đại học
D.Ngân - 21/03/2024 15:25
Một số chuyên gia giáo dục khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường trong mùa tuyển sinh đại học 2024.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức đạt khoảng 80%.

Một số chuyên gia giáo dục khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường trong mùa tuyển sinh đại học 2024.

Như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy, khi thí sinh đăng ký nguyện vọng cho đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau.

Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, có khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hoặc chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Nguyễn Phú Khánh khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường.

Khi chọn ngành, theo ông Khánh, trước hết các em nên chọn ngành mình thấy yêu thích, dù sau này có gặp khó khăn, các em vẫn có đam mê để theo đuổi. Nhưng nếu chọn ngành mình không thích, thì chỉ một chút thử thách cũng rất dễ nản lòng, không học được.

Bên cạnh đó, học sinh cũng nên chọn ngành mà bản thân có năng khiếu, năng lực, đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường lao động ra sao. Trên thị trường có rất nhiều ngành, nghề khác nhau, nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội sẽ tốt hơn các ngành khác.

"Các em hãy tự tin với lựa chọn của mình, bởi vì cuộc sống luôn thay đổi. Ngành, nghề các em thích bây giờ, chưa chắc ba năm sau em còn thích, chúng ta không thể khẳng định rằng ngành nghề đó bất biến. Quan trọng nhất là các em cần có phương pháp tư duy, phương pháp tự học và có mục đích sống rõ ràng", ông Nguyễn Phú Khánh nói.

Còn theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương, việc chọn ngành, chọn nghề rất quan trọng đến tương lai sau này.

Tuy nhiên, không phải khi các em chọn rồi thì sẽ bị bó buộc vào ngành đó. Các em hãy cho mình cơ hội, không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học tiếp cận liên ngành.

Các em học ngành kinh tế cũng có thể học thêm ngành luật dưới một hình thức nào đó, không nhất thiết phải thêm một bằng nữa. Khi đó, các em sẽ có lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai, năng lực cũng sẽ vượt trội trong tương lai. Nếu các em học giỏi trong một lĩnh vực nào đó và đẩy năng lực mình lên thì việc làm với mức lương cao sẽ không khó khăn.

Trước băn khoăn về việc thị trường nhân sự biến đổi không ngừng, nên chọn ngành có tính quy mô rộng hay phạm vi nhỏ, bà Vũ Thị Hiền cho rằng, thí sinh nên nhìn vào chương trình đào tạo của từng ngành, phương pháp giảng dạy của mỗi trường để quyết định.

Lưu ý thí sinh khi chọn ngành, chọn trường, chuyên gia giáo dục ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, các em học sinh lớp 12 đừng chỉ nghe loáng thoáng rồi chọn đại. Thay vào đó, cần tìm hiểu yêu cầu của ngành học đó như thế nào, năng lực và sở trường của bản thân có phù hợp với ngành đó hay không.

Theo ông Vinh, các em học sinh cần nhìn nhận được năng lực thực tế học tập của mình, ham muốn cũng như thích làm gì sau này để lựa chọn chứ không nên dựa vào sở thích của bố mẹ.

Thực tế, học sinh chạy đua chọn ngành nghề theo ngành hot là việc không xấu. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu xem ngành đó có hot thật không. Vì thực tế, nhiều trường đổi tên ngành học để bắt kịp thời cuộc nhưng thực chất là "bình mới rượu cũ" mà nội dung giảng dạy không thay đổi nhiều.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, học sinh cần chuẩn bị một tâm thế học hỏi không ngừng để thích nghi với tốc độ phát triển của xã hội.

Chúng ta chọn ngành đào tạo, trường đào tạo để học được những kiến thức, kỹ năng để có thể làm nghề thật tốt trong tương lai. Ngành đào tạo ở bậc giáo dục đại học của chúng ta khá rộng.

Khi các em học một ngành, vẫn có thể làm được rất nhiều nghề sau đó. Trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, đều luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.

Vì vậy, khi có đam mê, tâm huyết dành cho việc học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên sâu của mình thì các em không bao giờ phải lo thiếu việc làm hay thu nhập không tốt.

"Quan trọng là chúng ta phải đầu tư, phát triển năng lực cá nhân để các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực đó phải cần đến chúng ta, vì họ luôn cần nhân lực tốt, những người chăm chỉ, say mê với công việc, có thái độ nhiệt huyết, cống hiến cho công việc, cho tổ chức", bà Thủy nói.

Trước câu hỏi của thí sinh về việc có nên tham dự nhiều kỳ thi riêng của nhiều trường hoặc đăng ký nhiều đợt thi của một trường hay không, GS-TS.Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo, mỗi thí sinh thi 1 kỳ thi riêng là nhiều và với mỗi kỳ thi này thi 1 lần là tốt bởi định dạng đề thi đã được thiết kế hợp lý, đảm bảo điểm của thí sinh sẽ không chênh giữa 2 lần thi.

Phụ huynh, thí sinh thường có tâm lý và mong muốn thi nhiều lần. Lời khuyên của chúng tôi vẫn là thí sinh nên chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe, kiến thức để thi 1 lần và đạt điểm cao nhất, phản ánh đúng năng lực của mình nhất. Hãy bỏ qua ý nghĩ thi lần 1 chỉ để tập dượt còn các lần sau mới là thi thật.

Ngược lại, hãy coi kỳ thi là một cuộc chiến để cố gắng và nỗ lực hết sức vì thực tế cho thấy, nếu thí sinh chỉ xác định chỉ thi 1 lần thì số đạt được sẽ cao ngay từ lần thi đầu tiên.

Tin liên quan
Tin khác