Dù mảng thủy điện đi lùi, song lợi nhuận của Tập đoàn Đạt Phương vẫn tăng nhờ lãi suất giảm. Trong ảnh: Thủy điện Sông Bung 6 của Đạt Phương |
Cú đảo chiều lợi nhuận
Hoạt động kinh doanh quý II/2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (DPG) vẫn chưa ghi nhận tín hiệu tươi sáng, khi hai trong 3 lĩnh vực được coi là trụ cột, gồm thủy điện và bất động sản chưa tăng trưởng trở lại.
Tình hình thủy văn không được thuận lợi như quý II/2023, kéo doanh thu của Đạt Phương giảm 10,2%. Dù vẫn đóng góp chính vào tổng lợi nhuận, kết quả kinh doanh riêng mảng thủy điện giảm 15,5% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản cũng trầm lắng, sức mua yếu, khiến Đạt Phương gần như “trắng” doanh thu ở mảng này, thậm chí sau khi hạch toán chi phí, vẫn còn phải ghi nhận khoản lỗ gần 7 tỷ đồng.
Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng dù ghi nhận doanh thu tăng 33% so với quý II/2023, nhưng lại có tỷ suất sinh lời thấp (chưa đến 7%). Do đó, dù doanh thu quý II đạt 1.386 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ, song lợi nhuận gộp vẫn giảm. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế quý II của Đạt Phương đảo chiều tăng tới 33%, đạt 72 tỷ đồng.
“Chi phí tài chính giảm hơn 22 tỷ đồng (tương đương mức giảm 45%) đã giúp lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2023”, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Đạt Phương chỉ ra nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong quý, bất chấp hai mảng kinh doanh chính đi lùi.
Theo cuộc khảo sát chuyên đề của Tổng cục Thống kê mới đây với 20 hiệp hội và khoảng 30.000 doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất được cho là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp lo ngại khó khăn về tài chính, lãi suất và thủ tục vay vốn.
Kiến nghị cho hoạt động 6 tháng cuối năm về yếu tố đầu vào, doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất cho vay (47,7%), tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn và tạo thuận lợi hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời (29%).
Cũng dựa vào trụ cột là thủy điện và bất động sản, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô (HDG) báo lãi tăng phần nhiều nhờ tiết giảm chi phí lãi vay. Doanh thu hợp nhất giảm 8%, chỉ thu về 578 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Hà Đô vẫn đạt 111,3 tỷ đồng, gấp 2,46 lần cùng kỳ. Chi phí lãi vay quý vừa qua chỉ bằng 2/3 cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp, chi phí lãi vay liên tục đi lùi sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào quý IV/2022 - khoảng thời gian lãi suất đồng loạt dâng cao do ảnh hưởng từ niềm tin của nhà đầu tư và căng thẳng thanh khoản.
Một phần nguyên nhân kéo chi phí lãi vay giảm đến từ động thái tái cơ cấu, thu hẹp quy mô tài sản/nguồn vốn của doanh nghiệp. Dư nợ vay ngân hàng và nợ thuê tài chính trong 4 quý gần đây của Hà Đô dao động quanh 600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức 1.000 tỷ đồng ở 4 quý liền trước đó.
Trong quý vừa qua, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tất toán một khoản trái phiếu với giá trị theo mệnh giá là 1.600 tỷ đồng. Với mức lãi suất coupon lên tới 10,5%/năm, Vinaconex phải chi trả 42 tỷ đồng hàng quý chỉ cho riêng khoản vay này. Tính từ cuối năm 2022 đến nay, vay và nợ thuê tài chính tại “ông lớn” ngành xây dựng, bất động sản này đã giảm xấp xỉ 4.600 tỷ đồng.
Giảm nợ bớt lãi vay, chi phí tài chính quý II của Vinaconex chỉ bằng gần một nửa cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận vẫn nhích tăng nhẹ, dù doanh thu hoạt động kinh doanh và doanh thu tài chính giảm.
“Ngấm” lợi ích từ lãi suất giảm
Thống kê trên gần 600 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính tính đến thời điểm này, 2/3 số doanh nghiệp hạch toán chi phí lãi vay quý II giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tăng mạnh khoản này, khiến tổng chi phí lãi vay tăng gần 2% so với cùng kỳ. Nếu bỏ riêng bộ ba doanh nghiệp nhà “Vin”, gồm Vingroup, Vinhomes, VincomRetail, khoản chi phí này ở nhóm các doanh nghiệp niêm yết giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Trong hơn một năm qua, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh sau khi vọt lên hồi tháng 10/2022. Các động thái điều hành quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước khi liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động thậm chí có giai đoạn “rơi tự do”, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn.
Mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống đã tác động tích cực làm giảm nhiệt chi phí lãi vay. Tuy nhiên, một nguyên nhân lớn dẫn đến thay đổi này còn bởi các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động, khi vẫn còn cẩn trọng trước các cơ hội kinh doanh, hoặc cơ cấu lại nguồn vốn thông qua bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu, giảm sử dụng đòn bẩy tài chính.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 2,4%. Cú bứt tăng thần tốc của tháng cuối quý II giúp tăng trưởng tín đạt 6%, hoàn thành chỉ tiêu theo chủ trương của Chính phủ. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn. Trong khi, tổ chức tín dụng có xu hướng thận trọng trong việc cấp tín dụng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
Dù lãi suất huy động đã tăng ở khá nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay tăng chậm hơn. Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhiều khả năng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì như hiện tại, hoặc chỉ nhích nhẹ ở một số ngân hàng quy mô nhỏ. Cầu tín dụng các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh ở các nhóm ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, do đó thúc đẩy lượng tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay.
Hơn nữa, trong chỉ đạo mới đây, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Mục tiêu đưa ra vẫn là tiếp tục góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.