Hệ thống hạ tầng giao thông ở Quảng Nam đang được đầu tư đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế. |
Hạ tầng đồng bộ
Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị.
Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, Quảng Nam phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, với hệ thống giao thông liên kết vùng và quốc tế thông suốt. Xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ 5 loại hình giao thông theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia; bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế.
Lấy các đầu mối giao thông Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; sớm khắc phục yếu kém của các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây như 14D, 14B, 14E, 40B, 14G và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam.
Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 3 tuyến cao tốc với tổng chiều dài qua địa bàn khoảng 234,9 km, tăng thêm 143,6 km. Đầu tư, nâng cấp 10 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên mở rộng và phát triển thêm các trục giao thông theo hướng vận tải hàng hóa có khối lượng lớn trên trục hành lang kết nối Đông - Tây, gắn với với các trục đường Bắc - Nam để hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên.
Hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh. Phấn đấu đến năm 2050, các huyện Núi Thành, Nam Giang nâng cấp, đầu tư lên bến xe loại 2, các địa phương còn lại lên bến xe loại 4.
Về đường thủy, Quảng Nam kêu gọi xã hội hóa nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở, kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 tấn, trở thành cảng biển loại I, gắn với khu phi thuế quan, cảng hàng không; hình thành trung tâm logistics. Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistics container của miền Trung - Tây Nguyên, là đầu mối hàng hóa quan trọng của Hành lang Đông - Tây 2.
Đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, phát triển tuyến vận tải đường thủy nội địa theo hướng Bắc - Nam kết nối với các đảo trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và các đô thị Đà Nẵng - Hội An - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành; phát triển đồng bộ hệ thống cảng, bến thủy nội địa, bảo đảm kết nối hệ thống giao thông đường thủy nội địa với các loại hình giao thông khác.
Đồng thời, phát triển 3 cụm cảng hàng hóa, 2 cụm trên tuyến sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang, công suất mỗi cụm 500.000 tấn/năm, tiếp nhận tàu đến 400 tấn. Nâng cấp 5 cảng hành khách phục vụ du lịch. Từng bước có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống bến thủy trên địa bàn tỉnh để khai thác hiệu quả giao thông đường thủy.
Tỉnh Quảng Nam cũng phát triển hệ thống ga gắn với 3 tuyến đường sắt qua địa bàn theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên sau năm 2030.
Đặc biệt, đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị là tuyến từ Cảng hàng không Chu Lai (Núi Thành) - Tam Kỳ - Hội An - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (Hải Châu); tuyến từ Hội An (Quảng Nam) - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Phát triển hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển Quảng Nam tại xã Tam Hiệp khoảng 50 ha, trung tâm logistics chuyên dùng trong cảng hàng không quốc tế Chu Lai quy mô khoảng 25 ha, khu vực Thạnh Mỹ quy mô khoảng 30 ha và tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai đáp ứng tiêu chí cảng hàng không quốc tế của Vùng đạt cấp 4F, là trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, thiết bị bay; gắn kết với khu phi thuế quan, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, tăng giá trị xuất nhập khẩu bằng đường hàng không.
Động lực cho địa phương phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối liên vùng và khu vực; trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển (kết nối Đà Nẵng, Hội An, sân bay Chu Lai) và đường Hồ Chí Minh; trục dọc gồm Quốc lộ 14E, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14D… là các tuyến giao thông quan trọng kết nối Hành lang Đông - Tây qua địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Các tuyến này có lượng xe lưu thông, vận chuyển hàng hóa ở mức cao, bởi nằm trên trục đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Nam Lào - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), Cửa khẩu quốc tế Nam Giang qua Quốc lộ 14E, Quốc lộ 14D về cảng biển Chu Lai và ngược lại.
Tỉnh đang phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tập trung đẩy nhanh việc đầu tư cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14E, tổng chiều dài tuyến khoảng hơn 74 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuyến đường này sẽ giúp tăng lượng hàng hóa từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (qua Quốc lộ 14D) về cảng biển Chu Lai. Ngoài ra, đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14E còn góp phần điều tiết giao thông khi đường Hồ Chí Minh bị tắc.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đang đề xuất Bộ GTVT đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 14D theo tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, nhằm hoàn thiện đồng bộ hạ tầng toàn tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, thúc đẩy liên kết khu vực, đảm bảo nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa về các cảng biển trong khu vực.
Theo ông Lê Trí Thanh, đến năm 2030, tỉnh sẽ thông qua đề án kêu gọi tư nhân tham gia vào đầu tư, phát triển sân bay Chu Lai. Đề án xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai đã được tỉnh trình Bộ GTVT. Sau khi có cơ chế về đầu tư phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư phù hợp.
“Việc phát triển sân bay Chu Lai sẽ thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch phía Nam tỉnh Quảng Nam. Đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai bằng hình thức xã hội hóa sẽ mở ra điểm nhấn vô cùng quan trọng để thu hút đầu tư. Tôi kỳ vọng, khi sân bay Chu Lai được đầu tư nâng cấp đúng với quy hoạch, sẽ tạo động lực cho 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cất cánh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.n