Thời sự
Lòng dân, ý Đảng và xu thế thời đại
Bá Thư - 24/10/2018 08:28
Chiều qua (23/10), với sự tín nhiệm cao của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức được cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu giữ cương vị Chủ tịch nước.

Khoảnh khắc tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên cuốn Hiến pháp, đứng dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là khoảnh khắc lịch sử trọng đại.

Khoảnh khắc tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên cuốn Hiến pháp, đứng dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, tuyên thệ trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước là một khoảnh khắc lịch sử

Đó là khoảnh khắc mà lịch sử đã chắt lọc, hội tụ, bởi sau gần 70 năm, kể từ năm 1951, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tư cách là Chủ tịch nước, được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng, lịch sử phát triển của đất nước mới lại chứng kiến một sự kiện có nhiều điểm tương đồng, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước.

Đó là khoảnh khắc của lịch sử với những điều kiện được nhìn nhận đã chín muồi, khi mà sau thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội, đối ngoại đã được bàn đến, đưa ra lấy ý kiến từ nhiều năm, nhưng phải đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII giới thiệu và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 23/10, điều đó mới trở thành hiện thực.

Khoảnh khắc lịch sử này chứa đựng rất nhiều tin tưởng, kỳ vọng, khi ý Đảng hợp lòng dân, chung một khát khao dựng xây đất nước phồn vinh, dân tộc trường tồn.

Nói ý Đảng hợp lòng dân là bởi, khi Ban Chấp hành Trung ương có sự thống nhất tuyệt đối về việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội xem xét, bầu giữ cương vị Chủ tịch nước, dư luận các tầng lớp nhân dân, các bậc lão thành cách mạng đều rất tán thành. Từ thực tiễn Đảng lãnh đạo giành những thành tựu lớn lao trong công cuộc Đổi mới, hay công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng đã tạo nhiều chuyển biến rõ rệt những năm gần đây, dư luận đặt niềm tin vào Đảng cũng như tin tưởng vào uy tín, tầm nhìn, tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư. Với việc Tổng Bí thư đồng thời giữ cương vị đứng đầu Nhà nước, các tầng lớp nhân dân càng thêm kỳ vọng công cuộc Đổi mới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng để phát triển đất nước vững mạnh sẽ có những bước chuyển mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Việc người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch nước cũng cho thấy bước phát triển phù hợp với xu thế thời đại của thể chế chính trị nước nhà. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người đứng đầu Đảng cầm quyền cũng là người đứng đầu Nhà nước. Trong dòng chảy hội nhập, việc người đứng đầu đảng cầm quyền là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước trong các hoạt động đối nội, đối ngoại sẽ tạo nên sự thống nhất cao hơn trong hoạch định và thực thi chính sách, tăng thêm vị thế của đảng cầm quyền và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của nhà nước.

Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng và chính quyền nhà nước các cấp và cả hệ thống chính trị. Bước đầu, việc người đứng đầu tổ chức Đảng giữ cương vị lãnh đạo bộ máy chính quyền đã và đang được thực hiện ở một số cấp, địa phương. Với chuyển biến ở cấp cao nhất này, tiến trình hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và chính quyền nhà nước được kỳ vọng sẽ có những chuyển động mới.

Mặt khác, không phải không có những băn khoăn, lo ngại về tập trung quyền lực, tha hóa quyền lực. Song thực tiễn cho thấy, Việt Nam có Hiến pháp, cương lĩnh, điều lệ Đảng; Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu thực thi trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng cũng nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực, tăng cường các cơ chế kiểm soát quyền lực… Có thể tin rằng, đó là những công cụ đủ mạnh để đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn tha hóa quyền lực.

Khi lòng dân đã tin, ý Đảng đã thống nhất và cùng lựa chọn được người đứng đầu liêm chính, có tầm nhìn, có tâm huyết, hết lòng vì dân, vì nước, thì có thể tin tưởng rằng, dòng chảy lịch sử và xu thế thời đại đang đưa dân ta, nhà nước và Đảng ta tới bước chuyển mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước nhà thịnh vượng, dân tộc trường tồn.

Tin liên quan
Tin khác