Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. |
Tiếp tục phiên họp thứ 29, chiều 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công.
Theo Tờ trình của Chính phủ, đang có 2 cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật đối với quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, dẫn đến phát sinh vướng mắc, đến nay một số khoản chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chưa được phân bổ.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, cách hiểu thứ nhất: Luật Đầu tư công quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; không có quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).
Cách hiểu thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.
Theo cách hiểu này có vướng mắc như, hoạt động mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng); hoạt động cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình, hạng mục công trình, chuyển đổi số, công nghệ thông tin... từ nguồn vượt thu, dự phòng là các hoạt động phát sinh cần thiết và đa dạng, thường không lường được trước và khó kế hoạch hoá theo giai đoạn 5 năm.
Trường hợp các hoạt động trên phải sử dụng vốn đầu tư công, khi đó sẽ phải đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm là không hợp lý, không kịp thời, hạn chế đa dạng hóa nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ công của nhân dân.
Trên thực tế, vốn đầu tư công không bố trí hoặc bố trí rất hạn chế cho các hoạt động này của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo tờ trình của Chính phủ.
Để có cơ sở để hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ các khoản chi ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ thì việc có văn bản giải thích quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, nhất là làm rõ có được (hay không được) sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công là rất cần thiết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nội dung tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.
Quy định của Luật Đầu tư công đã rõ, tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc của Chính phủ về cách hiểu đối với khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, tạo điều kiện cho Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc trên thực tiễn, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến về nội dung này.
Theo đó, khẳng định rõ: khoản 1 điều 6 Luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công, không quy định hạn chế (không cấm) việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị.
Về hình thức, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích luật về nội dung nêu trên. Phương án 2 là không ban hành nghị quyết mà chỉ ban hành văn bản thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tờ trình của Chính phủ.
Về việc sử dụng kinh phí thường xuyên cho các dự án nâng cấp, cải tạo, sữa chữa công trình, thiết bị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, căn cứ quy định của pháp luật để có quy định, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, tránh bị lạm dụng để triển khai thực hiện thống nhất.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019 là nội dung được kế thừa từ khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công hiện hành đã được thực hiện đến nay là 8 năm.
Để có đủ căn cứ, cơ sở xác định việc cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Luật theo thẩm quyền quy định tại Điều 159 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công trong 8 năm qua. Trong đó cần báo cáo cụ thể, làm rõ trong 8 năm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 6 có phát sinh cách hiểu khác nhau từ thời điểm nào, vướng mắc trong triển khai thực hiện thế nào và lý do tại sao đến thời điểm hiện nay Chính phủ mới có Tờ trình báo cáo phát sinh 2 cách hiểu khác nhau.
Các ý kiến thảo luận sau đó đều khẳng định quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công không có gì cần giải thích thêm.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công rõ ràng, dễ hiểu, quy định tại Luật Đầu tư công và các luật khác không cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn trên thực tế, Chính phủ có thể ban hành văn bản hướng dẫn quy định có liên quan tại Luật Ngân sách nhà nước theo thẩm quyền, đó là cách nhanh nhất. Cách thứ hai là tiếp thu ý kiến phiên thảo luận, Chính phủ chuẩn bị hồ sơ để giải thích điểm B khoản 2 điều 12 Luật Ngân sách nhà nước theo đúng quy trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.