Thời sự
Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, tiếp cận theo hướng hậu kiểm
Kỳ Thành - 28/06/2019 15:41
Trong 11 sự kiện nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quý II/2019, sự kiện Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) được nêu bật đầu tiên. Việc thông qua này sẽ góp phần đẩy mạnh phân cấp trong đầu tư công, thay đổi cách tiếp cận theo hướng hiện đại, từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính chịu trách nhiệm

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 13/6 vừa qua với 90,7% đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm mới đầu tiên có ý nghĩa rất lớn, đó là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước; và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...).

Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.

Đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, trong phiên thảo luật về Luật đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua, có các ý kiến của các đại biểu phát biểu liên quan đến vấn đề về thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án đầu tư trong trung hạn và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng quyết định lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hai phương án.

Phương án 1 là Quốc hội quyết định, phương án 2 là Chính phủ quyết định, kết quả lấy phiếu cả 2 phương án đều không quá bán nên không được chấp nhận. Trong quá trình tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo theo hướng hai phương án đều không không được tiếp thu thì sẽ giữ nguyên như Luật hiện hành.

Theo quy định của Luật hiện hành, việc quyết định giao kế hoạch bao gồm cả danh mục đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vậy Luật mới thì giữ nguyên chỉ chỉnh lý về mặt thời gian, Quốc hội thời kỳ nào quyết định đầu tư công trung hạn thời kỳ đó. Do vậy chỉ điều chỉnh về mặt thời gian từ năm thứ năm của kế hoạch trung hạn giai đoạn trước sang năm đầu tiên của kế hoạch trung hạn giai đoạn sau, còn thẩm quyền thì giữ nguyên là Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Quốc Phương làm rõ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, Luật Đầu tư công (sửa đổi) tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chịu trách nhiệm. “Chúng tôi sẽ giám sát và tăng cường giám sát hơn nữa để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của nhà nước, của nhân dân được sử dụng hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, tinh thần đẩy mạnh phân cấp sẽ tiếp tục trong Luật Đầu tư (sửa đổi) sắp tới, nhiều ngành lãnh vực sẽ được bỏ ra khỏi ngành có điều kiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang làm việc với riêng từng bộ ngành để rà soát danh mục ngành nghề có điều kiện, nhằm tạo môi trường tự do kinh doanh thuận lợi nhất.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng (Ảnh: Đức Thanh)

Chuyển cách tiếp cận từ tiền kiểm sang hậu kiểm

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, theo cách thức như hiện nay của Luật đầu tư công (sửa đổi) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì khi đã phân cấp hoặc trao quyền và sửa đổi rất nhiều, ông Trần Quốc Phương cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn rất nhiều và nặng nề.

Cách tiếp cận của Luật đầu tư công (sửa đổi) là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có nghĩa là giám sát sau khi các bộ, ngành, địa phương đã quyết định đầu tư dự án và trong quá trình hậu kiểm đó có phát hiện ra những vấn đề phát sinh chưa đúng với quy định của pháp luật, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có thẩm quyền báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý với các vấn đề vi phạm. Trách nhiệm khi thực hiện dự án để xảy ra sai phạm thì sẽ là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương.

Như vậy, định hướng, quan điểm và mục tiêu khi xây dựng Luật đầu tư công đã được thể hiện rõ trong Luật lần này và có rất nhiều điểm mới trong đó phần phân cấp và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thực hiện dự án được đẩy mạnh, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Người phát ngôn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về kỳ vọng tỷ lệ giải ngân sẽ tăng lên sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua, ông Phương cho biết, tỷ lệ giải ngân hằng năm hiện đạt khoảng 80% kế hoạch được giao, trong khi quyết tâm của Chính phủ là tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Việc giải ngân hằng năm của một dự án phụ thuộc vào rất nhiều quy định, ngoài đầu tư công còn là các quy định về Luật đất đai trong giải phóng mặt bằng, Luật xây dựng trong việc thiết kế, Luật đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu, Luật ngân sách nhà nước trong việc hồ sơ ra kho bạc giải ngân, do đó còn nhiều vướng mắc.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ giải quyết tốt nhất để giải ngân cao hơn so với năm trước đây nhờ linh hoạt hơn. Theo quy định của Luật đầu tư công (sửa đổi), không giải ngân vốn đầu tư công 2 năm mà chuyển sang giải ngân 1 năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị thu hồi. Đây là sức ép để các bộ, ngành, địa phương phải chỉnh kế hoạch linh hoạt nhằm thúc đẩy giải ngân cao hơn, ông Phương nêu rõ.

Tin liên quan
Tin khác