Dù vẫn cần thêm nhiều thời gian để trở lại thời kỳ hoàng kim, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, song sự chững lại của thị trường này trong thời gian qua là bước lùi cần thiết.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, phát hành TPDN 11 tháng đầu năm đạt khoảng 220.000 tỷ đồng. So với năm ngoái, giá trị TPDN phát hành giảm nhẹ, nhưng đáng mừng là giá trị phát hành tháng sau đã cao hơn tháng trước. Điều này cho thấy, thị trường TPDN đang dần hồi phục và có dấu hiệu “hạ cánh mềm”.
Sở dĩ thị trường TPDN ổn định trở lại và dần phát triển sau “làn sóng bond run” (tháo chạy khỏi trái phiếu) là nhờ thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra 4 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP với những tháo gỡ chưa có tiền lệ, đặc biệt là giãn, hoãn thời gian thanh toán nợ trái phiếu 2 năm và cho phép hoán đổi TPDN sang tài sản khác.
Thứ hai, đưa vào vận hành hệ thống TPDN riêng lẻ tập trung nhằm tăng tính minh bạch và tính thanh khoản cho thị trường.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ với các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, tín dụng - vốn có sự liên thông chặt chẽ với thị trường TPDN.
Dù vậy, so với thời kỳ đỉnh cao, quy mô thị trường TPDN đã bị thu hẹp. Từ chỗ đạt khoảng 15% GDP, bằng 12% tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 2011, quy mô thị trường TPDN hiện chỉ chiếm hơn 10% GDP và bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Quy mô này, nếu so với Trung Quốc (36%), Hàn Quốc (89%), Singapore (26%), Thái Lan (27%)…, thì còn quá nhỏ bé và còn nhiều dư địa.
Có thể khẳng định, thị trường TPDN (gồm cả trái phiếu chính phủ và TPDN) đã có một bước lùi trong hai năm qua và còn khá xa quy mô tương đương 47% GDP đến năm 2025 như mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra. Dù vậy, đây là bước lùi cần thiết, bởi nếu không, thị trường sẽ khó có thể phát triển lành mạnh.
Tất nhiên, trong quá trình nắn chỉnh thị trường, các tác động ngắn hạn là có khi hai năm gần đây, thị trường TPDN suy yếu đáng kể. Song điều đáng mừng là gần nửa năm qua, thị trường TPDN đã bắt đầu phục hồi. Quan trọng nhất, là tất cả các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, đã ý thức trách nhiệm hơn về kênh huy động vốn này. Bản thân doanh nghiệp phát hành cũng hiểu rõ, Chính phủ rất kiên quyết trong thanh lọc thị trường, xử lý sai phạm.
Với riêng nhà đầu tư, dù cú sốc Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đẩy không ít gia đình vào cảnh trắng tay, nhưng đó cũng là lời cảnh báo hữu ích.
Diễn biến thị trường TPDN những năm qua đã để lại nhiều bài học lớn cho cả cơ quan quản lý, điều hành, lẫn doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và cả các bên liên quan. Còn hiện tại, thị trường đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sớm có giải pháp giúp thị trường bứt tốc trở lại.
Trước hết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bởi thị trường đang mong chờ định hướng chính sách của Bộ Tài chính và Chính phủ khi nhiều quy định giãn, hoãn của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Sau nữa, cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thực thi chính sách trong bối cảnh việc tháo gỡ đồng bộ khó khăn của thị trường TPDN, thị trường bât động sản và tín dụng ngân hàng thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tiếp đến, phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp (các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…), song hành với đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh phát hành trái phiếu ra công chúng. Cuối cùng, phải nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát để luôn đảm bảo thị trường vận hành đúng hướng.
TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp. Phát triển thị trường TPDN cũng giúp từng bước cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp cần vốn để hoạt động, thì kênh TPDN càng trở nên quan trọng.
Chính vì vậy, khôi phục lại thị trường TPDN, biến TPDN thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ chốt của doanh nghiệp là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Tất nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này phải tiến hành song song với các giải pháp gỡ khó cho một loạt thị trường liên quan, trong đó có thị trường bất động sản.