Người dân tự test nhanh dương tính, tới bệnh viện điều trị có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng. |
Khi F0 tự làm thầy thuốc
Rất nhiều người dân tại Hà Nội sau khi test nhanh dương tính với Covid-19 đã tự cách ly và tự điều trị mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp y tế nào từ cơ sở.
Chị N.N, phóng viên công tác tại một tờ báo lớn ở Hà Nội cho biết, qua test nhanh Covid-19, chị phát hiện mình dương tính và đã gọi cho y tế phường để thông báo, đồng thời gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà của Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Sau khi xét nghiệm PCR khẳng định dương tính, chị tiếp tục gọi đến y tế phường, nhưng chỉ nhận được yêu cầu tự cách ly tại nhà, còn tuyệt nhiên không được hướng dẫn tự điều trị hay sử dụng đơn thuốc ra sao.
Liên quan đến điều trị F0, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đã có hướng dẫn phân luồng, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình 3 tầng. Tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà với F0 không triệu trứng; tầng 2 gồm các bệnh viện đa khoa cấp huyện do Thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng 1 và tuyến trung ương.
Theo phân cấp, cơ sở điều trị cần chủ động chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để quản lý, điều trị ổn định, ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2 và tầng 3 để tiếp nhận bệnh nhân mới. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện việc phân cấp này vẫn chưa hợp lý khi số lượng F0 không triệu trứng và triệu trứng nhẹ đang nằm ở tầng điều trị 2, 3 rất lớn.
Tự an ủi rằng, chắc cán bộ y tế phường đã quá tải, không thể lo xuể, nên chị N.N đã tự chăm sóc sức khỏe và nhờ đến sự trợ giúp online từ các bài tư vấn trên các phương tiện truyền thông.
Trước đó, chị N.T.H. (Đông Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có 4 thành viên, thì 3 người nhiễm Covid-19. Mẹ chị đã hơn 60 tuổi, chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Khi chỉ số SPO2 xuống thấp hơn 90, bà có biểu hiện khó thở. Chị đã trình báo, chụp ảnh, gửi cho nhân viên y tế phường để đề nghị đưa mẹ đi điều trị, nhưng không nhận được phản hồi. Lo lắng, chị buộc phải gọi cấp cứu để đưa mẹ đến Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.
Không chỉ chậm tiếp cận với y tế, nhiều người dân Thủ đô cũng phản ánh tình trạng phải chờ đợi quá lâu mới có kết quả xét nghiệm khẳng định Covid-19. Đó là trường hợp gia đình anh B. (quận Hai Bà Trưng). Ngày 4/12, vợ anh bị sốt, sau đó 1 ngày thì chị đau họng, đo nhiệt độ là 37,5 độ C. Nghi ngờ mắc Covid-19, chị test nhanh, may mắn kết quả âm tính. Anh B. không có biểu hiện gì, nhưng test nhanh lại cho kết quả dương tính.
Sáng 6/12, anh B. báo cáo lên y tế phường, thì đến chiều tối ngày 7/12, y tế phường mới vào lấy mẫu để làm xét nghiệm PCR. 4 ngày sau (11/12), anh B. mới nhận được thông báo kết quả dương tính với Covid-19. Điều đáng nói là, trước thời điểm nhận thông báo dương tính của phường, thì vợ chồng anh đã 3 ngày liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vừa qua, anh V.Đ.P (40 tuổi, chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, anh đã đại diện cư dân sống cùng tầng có đơn gửi lãnh đạo UBND phường về việc địa phương chậm trễ xử trí F0. Cụ thể, cùng tầng gia đình anh có 4 trường hợp F0 cùng nhà, nhưng sau 5 ngày kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vẫn chưa được đưa đi cách ly hay có bất kỳ biện pháp gì trong công tác phòng, chống dịch.
Anh P. cho rằng, dù cách ly ở nhà hay tập trung, người mắc Covid-19 cũng cần được hướng dẫn cụ thể để biết nên làm gì, xử lý rác thải y tế ra sao và được hỗ trợ thuốc, dụng cụ y tế cần thiết khác. Hơn nữa, việc không nhận được phản hồi từ y tế phường khiến anh và mọi người cảm thấy bức xúc.
Huy động các lực lượng chống dịch
Có thực tế nêu trên là do hiện nay, y tế cơ sở đã quá tải bởi lượng F0 tăng cao mà nhân lực y tế lại có hạn. Bà Đỗ Thị Lương, phụ trách Trạm y tế phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho biết, nhân lực của trạm chỉ có 8 người, trong khi F0 là hàng trăm ca. Cứ 1 F0 lại có gần chục F1, nhân viên y tế phường phải làm rất nhiều việc, từ thủ tục hành chính như tiếp nhận, lên danh sách, hướng dẫn F1 tự cách ly, cho đến tiêm bổ sung mũi vắc-xin, hướng dẫn, theo dõi điều trị F0, nên có những thời điểm, nhân viên y tế không thể lo xuể.
Ngoài nguyên nhân khách quan quá tải, theo chuyên gia, Hà Nội không nhất quán trong việc ưu tiên F1, F0 điều trị tại nhà, chưa phát huy vai trò của test nhanh và tự test của người dân trong khi nhân viên y tế chậm đến với người dân tại thời điểm họ thông báo đã bị nhiễm/nghi nhiễm Covid-19. Chưa kể, các hoạt động tư vấn từ xa, cung cấp thuốc điều trị, hướng dẫn cách phòng ngừa chưa tốt.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, Hà Nội chống dịch vẫn nặng về các biện pháp hành chính, chưa phát huy hết vai trò của người dân và các tổ chức xã hội vào công tác chống dịch.
Để tránh lúng túng trong điều trị F0, theo ông Hùng, Thủ đô cần phải nhất quán trong việc cách ly, điều trị tại nhà để mọi người dân chủ động trong việc cách ly, điều trị, nhất là trong những ngày đầu bị nhiễm. Đồng thời, phải hỗ trợ tối đa cho người dân về các kiến thức tự cách ly, điều trị; cung cấp nhanh nhất thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải thành lập các trung tâm điều phối thuốc để đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm; tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm để đảm bảo trả kết quả dưới 12 giờ, tránh tình trạng chờ kết quả xét nghiệm nhiều ngày như hiện nay.
Đặc biệt, Thủ đô phải đưa các bệnh viện, phòng khám tư và y, bác sĩ tình nguyện vào tham gia phòng chống dịch, điều trị người bệnh. Một điều nữa rất quan trọng nhằm giảm các ca bệnh nặng, tử vong là các đơn vị chuyên môn cần rà soát lại và tiêm vắc-xin sớm cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong mà chưa được tiêm vắc-xin.