Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Mercedes-Benz tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
“Sinh khí” mới của nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đón nhận hai thông tin mới, khi tháng 8 vừa kết thúc.
Thứ nhất, sau khi đánh giá lại, quy mô của nền kinh tế trong giai đoạn 2010 - 2017 tăng thêm 25,4% so với số liệu đã công bố. Việc đánh giá lại quy mô GDP, theo Tổng cục Thống kê, sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, Việt Nam đã đóng góp tới 7 cái tên, bao gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup, trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019, theo xếp hạng của Forbes Asia.
Hai thông tin trên, có thể nói, đã tiếp thêm luồng “sinh khí” mới cho nền kinh tế, trong bối cảnh các chỉ tiêu thống kê về kinh tế tháng 8 và 8 tháng vẫn đang tiếp tục xu hướng tích cực.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, IIP tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy thấp hơn mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng 8,2% và 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.
Điều đáng chú ý, cùng với việc ngành chế biến - chế tạo tiếp tục tăng khá, khoảng 10,6% so với cùng kỳ, thì ngành khai khoáng cũng đã tăng trở lại, với mức tăng 2,5%. Năm ngoái, khai khoáng tăng trưởng âm.
Trong khi đó, xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, với gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa đang tăng khá nhanh. Chỉ trong tháng 8/2019, nền kinh tế Việt Nam đã có thặng dư thương mại 1,7 tỷ USD, tương đương mức thặng dư thương mại của 7 tháng đầu năm. Do đó, xuất siêu của toàn nền kinh tế trong 8 tháng qua ước đạt 3,4 tỷ USD, hỗ trợ lớn cho dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá.
Thị trường xuất khẩu được cải thiện, trong khi sức mua trong nước cũng vẫn tăng khá. Con số được Tổng cục Thống kê công bố, mặc dù trong tháng 8, sức mua của người dân chỉ tăng nhẹ 0,4%, nhưng tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, lên tới 11,5%.
Điều đáng mừng hơn, trong bối cảnh đó, lạm phát được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân, chỉ số được lấy để tính lạm phát của Việt Nam, chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ. Với con số này, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% của nền kinh tế trong năm nay là trong tầm tay.
Tiến gần về đích
Mặc dù phải hết quý III, khi các số liệu thống kê chính thức được công bố, thì dư luận mới có cái nhìn chính xác hơn về kinh tế Việt Nam trong 3/4 chặng đường đã qua. Nhưng các số liệu thống kê về tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm là khá quan trọng. Bởi đây là giai đoạn Chính phủ phải có các đánh giá sơ bộ về khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, chuẩn bị cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới.
Cách đây hơn 1 tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các báo cáo liên quan về vấn đề này. Các cuộc họp với các địa phương (năm nay được chia thành 4 khu vực) cũng đã được tổ chức. Một quan điểm khá nhất quán đã được đưa ra, đó là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay là có thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% gần như chắc chắn.
Diễn tính tích cực của nền kinh tế trong tháng 8 đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định điều đó. Nền kinh tế đang tiến dần về đích. Nhiều khả năng, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt và vượt cả mục tiêu tăng trưởng lẫn kiểm soát lạm phát. Các chỉ tiêu khác, như tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 3%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội (33 - 34% GDP), tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị (dưới 4%)… nhiều khả năng cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay rất có thể không đạt như kỳ vọng. Dù tăng trưởng xuất khẩu đang được cải thiện, với mức tăng 7,3%, song dự báo, con số cả năm có thể chỉ ở mức 7,5%.
Trên thực tế, những diễn biến mới trên thị trường toàn cầu thời gian gần đây, nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng, khiến các chuyên gia cho rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhưng việc đồng nhân dân tệ đang tiếp tục mất giá và khả năng Trung Quốc có thể tiếp tục lập các rào cản kỹ thuật sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, khi kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều khả năng sức mua cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Thậm chí, một cách thẳng thắn, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, Việt Nam, trên thực tế, không được hưởng lợi từ xung đột thương mại này như dự báo trước đó, cả về xuất nhập khẩu lẫn thu hút đầu tư.
Xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 2,5% trong 8 tháng qua, chỉ ước đạt 23,8 tỷ USD. Còn thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang trong xu hướng giảm.
Xuất khẩu tăng không nhanh như dự kiến, thu hút đầu tư nước ngoài cũng vậy, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện là những yếu tố được cho là sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn trong những tháng cuối năm và lan sang cả năm 2020.
Mặc dù vậy, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 sẽ không “làm khó” nền kinh tế. Vấn đề còn lại chỉ là, liệu kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng tốc trong năm 2020 không.
Được biết, năm 2020, Chính phủ dự kiến tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, còn mục tiêu kiểm soát lạm phát là 4%.