Doanh nhân
Lương Việt Quốc, CEO RealTime Robotics Inc (RtR): Người Việt đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ
Ngân Vân Sương - 02/10/2022 08:08
Một người Việt đã không chỉ sản xuất được máy bay không người lái (drone), mà còn xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất.
Doanh nhân Lương Việt Quốc bên chiếc HERA.

Người Việt đó là TS. Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành (CEO) của RealTime Robotics Inc (RtR), người được tới 8 trường đại học hàng đầu của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ và cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) để mở nhà máy sản xuất drone tại Việt Nam.

Đi lên từ dòng kênh đen

Tuổi thơ của Lương Việt Quốc gắn với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với những ngày nhặt rác thải đến 1-2 giờ sáng.

Năm 13 tuổi, ban ngày Quốc ra chợ Cầu Muối bán chanh, ớt lẻ kiếm tiền sinh sống. Năm 15 tuổi, Quốc kiêm thêm nghề vớt giun

chỉ bán...

Số phận của Quốc cũng giống như bao đứa trẻ khác trong xóm Gò Mả nghèo khổ, chỉ khác ở chỗ, anh là người duy nhất không nghỉ học giữa chừng, trong khi các bạn đồng lứa đều đã bỏ ngang.

Hiện tại, RtR sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. Công ty đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Với nhà xưởng mới, Công ty sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 - 20 lần hiện nay.

Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm. Sau thị trường Mỹ, RtR sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

“Hồi ấy, động lực duy nhất khiến tôi không bỏ học xuất phát từ bà nội, chứ chẳng phải giấc mơ xa xôi nào. Bà luôn dặn đi dặn lại rằng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời”, CEO Lương Việt Quốc tâm sự.

Nhưng khi hết năm lớp 12, anh trượt đại học, nên chỉ học trung cấp tại Trường trung học Tài chính TP.HCM. Từ hệ trung cấp, Quốc học lên đại học tại chức, rồi học thêm tiếng Anh.

Năm 1994, Quốc đạt 610 điểm, xếp thứ 6 trong số 150 thí sinh dự kỳ thi TOEFL do Ủy ban Trao đổi hợp tác khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ tổ chức. Năm 2002, Quốc là một trong 26 cá nhân trúng tuyển học bổng sau đại học Fullbright (Mỹ).

Đặt chân đến nước Mỹ, chàng sinh viên trẻ Lương Việt Quốc theo học chương trình đào tạo thạc sĩ. Sau đó, nhận thấy có nhiều cơ hội hơn, Quốc cố gắng để xin học bổng tiến sĩ và làm việc tại Mỹ sau khi hoàn thành.

Vượt qua cửa ải “đừng có thử”

Nhận thấy drone trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, vận chuyển hàng khẩn cấp, báo chí, phim ảnh, năm 2014, Lương Việt Quốc đã thành lập start-up về drone tại San

Francisco (Mỹ). Năm 2017, Lương Việt Quốc mở thêm Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) ở Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone.

CEO Lương Việt Quốc cho biết, khó khăn lớn nhất của RtR khi mới bắt đầu là tư duy của đa số các nhà đầu tư lúc bấy giờ là “đừng có thử”.

“Đa số mọi người chấp nhận thất bại ngay từ đầu, bởi cho rằng, về mảng phần cứng, ngay cả sản phẩm tiêu dùng bình thường như ti vi, tủ lạnh đều không thể cạnh tranh với cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, chứ đừng nói là máy bay không người lái, một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá chỉ là một phần. Chúng ta không nhất thiết phải tham gia, mà thay vào đó, hãy tạo ra những tính năng mới, ưu việt hơn, khiến người dùng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho những tính năng đó. Đây cũng là một lợi thế để cạnh tranh”, CEO Lương Việt Quốc chia sẻ.

Tôi mong Nhà nước, các cấp chính quyền có nhiều chính sách ưu đãi lớn hơn cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển (R&D) so với những doanh nghiệp chỉ thực hiện sản xuất, lắp ráp. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư công nghệ phần mềm, thiết kế điện tử, cơ khí, hoá học, vật lý. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm, một điểm đến công nghệ cao, R&D của thế giới, thay vì chỉ là địa điểm lắp ráp, cho thuê lao động giá rẻ.

TS. Lương Việt Quốc, CEO của RtR

Đó là một khoảng thời gian khó khăn cho RtR, khi không có quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn nào sẵn sàng bỏ vốn cho một dự án máy bay không người lái tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi trình bày những ý tưởng, tâm tư của mình, đã có một vài nhà đầu tư tư nhân chấp nhận bỏ vốn cho RtR. Tính đến hiện tại, tổng vốn đầu tư của RtR khoảng 4 triệu USD. So với những thành tựu đã đạt được, thì đây là số vốn cực kỳ thấp. Để đạt được thành quả như RtR hiện tại ở thị trường Mỹ phải cần số vốn gấp 10 - 20 lần con số đó.

Nhưng từ một dự án được khuyên “đừng có thử”, với nỗ lực vượt bậc, RtR đã phát triển được đội ngũ lên tới 50 kỹ sư 100% người Việt, chịu trách nhiệm từ thiết kế thân máy bay đến vật liệu, điện tử, lập trình điều khiển… Với sự sáng tạo của đội ngũ, CEO Lương Việt Quốc khẳng định, RtR đang sở hữu công nghệ máy bay không người lái từ A đến Z, có thể chủ động chế tạo mọi bộ phận và phần mềm liên quan.

Chiếc HERA xuất Mỹ làm dậy sóng giới công nghệ

Mới đây, TS. Lương Việt Quốc và đội ngũ kỹ sư của RtR đã gây “choáng” giới công nghệ khi tạo ra drone HERA.

Phần lớn bộ phận quan trọng của HERA như thân vỏ, cánh tay, các cơ cấu để khóa, bo mạch, phần mềm điều khiển đều do kỹ sư của RtR tự thiết kế và chế tạo.

Nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ mà Công ty tự thiết kế và tự chế tạo lên đến 90%.

Điều đặc biệt của thiết bị bay không người lái HERA là vừa nhỏ gọn, lại vừa tối ưu hơn các dòng drone khác trong một số công việc, như công tác quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, với công suất quét tìm gấp đôi, mang tải nặng, có thể thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân, thay vì phải đợi lực lượng cứu hộ tìm được vị trí.

Cụ thể, HERA có thể bỏ vào trong ba lô để một người mang, nhưng lại có thể nâng được tải tới 15 kg. Hơn thế nữa, HERA còn có thể mang được 4 tải cùng lúc, với mỗi tải có tầm quan sát 360 độ, đảm bảo sự minh bạch và an ninh dữ liệu.

Đặc biệt hơn, sản phẩm này được đối tác Mỹ chấp nhận. Tháng 9/2022, RtR xuất khẩu 3 chiếc HERA cho những đối tác đầu tiên ở thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất và khắt khe nhất với nhiều tiêu chuẩn về an ninh thông tin, khả năng mang tải, số lượng cảm biến.

“Giá của HERA hiện tại là 25.000 - 30.000 USD/chiếc, cao hơn 20 - 30% so với thị trường, nhưng lại có được sự nhỏ gọn cùng khả năng mang tải độc đáo. Vì thế, khách hàng ở Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn để có được sự ưu việt này”, CEO Lương Việt Quốc phấn khởi nói.

Ứng dụng drone sẽ không dừng lại

Không chỉ với HERA, mà tất cả những sản phẩm khác của RtR đều được nghiên cứu để có thêm những tính năng cụ thể, phục vụ từng công việc đặc thù cho thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường thế giới nói chung.

Một ví dụ là việc kiểm định đường điện cao thế với các trụ 500 kV. Trước đây, để kiểm định đường điện cao thế, theo định kỳ, ngành điện lực phải cử nhân viên đi tuần tra các đường điện 500 kV và 220 kV để kiểm tra nứt vỡ, sét đánh, gỉ sét…

Sau này, khi dùng máy bay không người lái, công việc đã tự động hoàn toàn. Nhưng RtR của Lương Việt Quốc không muốn dừng lại ở đó. Ông và cộng sự vẫn đang nghiên cứu, phát triển giải pháp tự động hóa hoàn toàn để HERA bay tới trụ điện có thể nhận biết những điểm nào cần chụp và sau đó có thể dựa vào các thuật toán để tìm ra lỗi. Bài toán này sau khi hoàn thiện, cũng có thể ứng dụng cho các nước khác.

Ngoài HERA, RtR cũng đã và đang phát triển các dòng drone tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam, giúp phát hiện sâu, bệnh, hỗ trợ phun thuốc, bổ sung dinh dưỡng cây trồng. Được biết, những dòng drone này sẽ giải quyết được vấn đề an ninh thông tin khi tất cả dữ liệu quan trọng như diện tích gieo trồng, thông tin dịch bệnh… đều được lưu trữ tại Việt Nam, thay vì chuyển về máy chủ ở nước ngoài như những dòng drone nhập khẩu khác.

“Chi phí vận hành của dòng drone này thấp hơn so với các sản phẩm máy bay không người lái nhập từ Trung Quốc, giúp người nông dân nước ta tiết kiệm trung bình 70 - 100 triệu đồng chi phí vận hành mỗi năm”, một kỹ sư RtR cho hay.

Có thể nói, những gì mà CEO Lương Việt Quốc và các cộng sự tại RtR đã đang làm cho thấy, Việt Nam không mãi là “công xưởng lắp ráp của thế giới” với lao động giá rẻ.

Tin liên quan
Tin khác